Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Chuyện về chiếc gương trung thực

         Tôi là một chiếc gương như bao nhiêu chiếc gương khác. Xuất thân của tôi cũng chẳng lấy gì làm cao sang, chỉ từ những hạt cát nhỏ. Qua quá trình sàng lọc, nung nấu với các chất phụ gia khác ở nhiệt độ trên 2000 độ C, tôi trở thành tấm kính phẳng. Tấm kính được tráng một lớp bạc vào một mặt và trở thành tấm gương.
          Sau khi được cắt mài, được lồng một chiếc khung đẹp, một chiếc gương đã ra đời. Nhưng đó chỉ là mặt vật chất, thân thể của tôi. Còn cái hồn thì chưa có.
          Tôi may mắn được một Bà Tiên có tên là Trung Thực đỡ đầu. Bà phù phép, thổi vào tôi một luồng khí, làm cho tôi trở thành chiếc gương thông minh. Bà Tiên đặt tên khai sinh cho tôi là Chiếc Gương Trung Thực. Tôi có nhiều ưu điểm so với những chiếc gương khác. Vì tôi là con của Bà Tiên Trung Thực nên tính nết tôi cũng vậy. Tôi không bao giờ phản ánh gian dối.
          Tôi được bày bán ở chợ. Một sáng đầu thu rất đẹp, sau khi được chủ hàng bày ra quầy hàng, tôi được một phụ nữ đến hỏi mua. Tôi sung sướng vì từ nay tôi đã có chủ, vì từ nay tôi được làm việc, được phục vụ.

          Bạn biết không? Cô chủ của tôi không còn trẻ nhưng rất xinh đẹp. Mới trông, ai cũng trầm trồ vì vẻ quý phái, mặt hoa, da phấn và đài các. Tôi thầm mong, mình sẽ được cô chủ quý mến - như những gì tôi cảm nhận về cô.
          Sáng đầu tiên sau ngày được mua về, tôi dậy sớm. Từ chỗ ngồi của mình trên tường nhà, tôi quan sát mọi vật trong nhà cô chủ với một vẻ kiêu hãnh đầy tự hào. Vài tia nắng thu đầu tiên của ngày mới lọt qua khe cửa vào trong nhà làm cho mọi vật thêm đẹp. Chúng càng đẹp hơn khi hình ảnh của chúng được phản chiếu trong tôi.
          Cô chủ tôi thức dậy, sau khi đánh răng rửa mặt , cô bước đến bên tôi cô soi mình vào tôi. Tôi cất tiếng chào:
          - Kính chào cô chủ! Cô thật là xinh đẹp!

          Cô chủ ngạc nhiên, không hiểu tiếng nói phát ra từ đâu. Cuối cùng, tôi phải tự giới thiệu:
          - Em là gương đây. Em khác với những chiếc gương thông thường. Em có nhiều ưu điểm lắm đấy.
          - Thế à? Em có những ưu điểm gì hãy nói cho ta nghe được không?
          - Ngoài việc em phản chiếu trung thực hình ảnh của cô chủ, em còn đoán biết được tâm trạng, suy nghĩ của cô chủ nữa đấy.

          - Em có thể cho biết tâm trạng và ý nghĩ của chị lúc này được không?
          - Tâm trạng cô chủ thư thái, cô đang suy nghĩ về một việc tốt.
          - Ôi, cảm ơn gương quý của chị. Đúng đấy. Chị đang chuẩn bị đi thăm và giúp đỡ một người bạn đang ốm ở bệnh viện. Ở đó chị gặp lại các bạn đồng môn cấp 3 của chị.
          Cô chủ đi thăm bạn ốm. Tôi ở nhà, ngồi trên tường tôi thấy thích thú và tâm hồn lâng lâng vì lời khen vừa qua của cô chủ. Từ nay tôi sẽ được cô chủ yêu quý. Hằng ngày, tôi sẽ được cô chủ nâng niu chăm sóc bằng cách lau dầu thơm, dầu bóng. Làn da của gương tôi sẽ luôn mịn màng, trong trẻo chẳng kém gì pha lê.
          Đang mải mê suy nghĩ, bỗng cô chủ tôi sầm sầm bước vào nhà. Vì sao cô chủ lại về sớm thế nhỉ? Nhìn cô chủ có vẻ bực tức nhưng vì cô chưa soi mình vào tôi nên tôi chưa biết được tâm trạng cô thế nào.
          Sau khi vào buồng tắm, cô trở ra và đứng trước gương. Vẻ mặt có vẻ thư thái nhưng ẩn sau vẻ thư thái đó là một tâm trạng rất giằng xé. Cô cất tiếng hỏi:
          - Gương quý của ta, hãy nói cho ta biết, hiện nay ta thế nào?
          - Thưa cô chủ, vẻ mặt của cô có vẻ thư thái nhưng tâm trạng cô thật ngổn ngang. Cô bực mình, cáu tiết vì một người bạn của cô cứ nhằm chỗ sai của cô mà góp ý.
          - Sao? Ngươi có thể nói khác đi để ta đỡ bực không?
          - Không được, em là gương và lại là TẤM GƯƠNG TRUNG THỰC nên em chỉ phản ánh trung thực. Em không thể nói điêu được.
          - Thế thì ta mưa ngươi làm gì, ta chăm sóc ngươi làm gì?

          Cô chủ bực quá, đi vào phòng nghỉ, nằm vật ra giường, thở hồng hộc lên vì tức bạn của cô và tức cả tôi nữa. Rồi mọi chuyện lại bình yên, cơn giận của cô cũng mau nguôi. Các sáng tôi đều phục vụ cô chủ như thường lệ.
          Sáng hôm đó, vào một ngày đầu mùa Đông. Tuy là đầu mùa Đông nhưng thời tiết thật đẹp, không nóng cũng không lạnh, rất dễ chịu. Cơ quan cô có hội nghị, cô chuẩn bị trang điểm trước khi lên cơ quan. Đứng trước tôi, cô chủ hỏi:
          - Này gương quý! Ta hôm nay thế nào? Có kẻ nào làm hại ta không?
          - Cô đẹp lắm! Cô yên tâm, sẽ không có ai hại cô chủ nếu cô chủ không hại người ta.
          - Tại sao, có những đứa nó cứ muốn chọc ngoáy ta?
          - Vì cô luôn làm sai, người ta góp ý cho cô giúp cô tránh được cái sai. Sao cô lại bảo người ta chọc ngoáy cô?
          - Tại sao việc gì ta làm bọn nó cũng biết?
          - Vì bản thân họ không phải là người ngu. Những việc cô chủ làm, không quá khó để người ta có thể nhận ra đâu là đúng, đâu là sai.
          - Ngươi bảo ta nên làm thế nàocho bọn nó không đứa nào dám góp ý ta.
          - Thưa cô chủ, điều đó do cô. Cô cứ làm đúng thì ai mà góp ý được. Cô bảo em giúp thì em không giúp được cô đâu, vì em là con của Bà Tiên Trung Thực.
          Cô đến cơ quan dự hội nghị. Chẳng biết họp hành gì mà tới trưa cô mới về. Về nhà cô tức tốc đến trước gương tôi. Cô nhìn thấy hình ảnh cau có, nham nhở của mình phản chiếu trong tôi. Nỗi bực tức của cô dồn nén được bung ra, cô trút giận lên đầu tôi:
          - Tại sao hình ta lại xấu xí thế này?
          - Cô chủ bực tức nên mặt mày nhăn nhó. Nếu cô vui vẻ tươi cười thì gương mặt cô sẽ đẹp ngay thôi mà.
          - Cho ta biết tâm trạng ta thế nào?
          - Cô chủ bực tức vì mọi người lật tẩy được sự giả dối của cô. Ý cô muốn là mọi người phải im lặng, mọi người phải đồng thuận, ủng hộ cho những việc làm giả dối của cô chứ gì?
          - Đúng vậy! Ngươi giúp ta chứ!
          - Cô chủ thông cảm cho em, em là gương TRUNG THỰC chứ không phải là GƯƠNG GIẢ DỐI!
          - Đến lúc ta phải cho ngươi vào góc nhà thôi!

          Nói rồi, cô chủ bực tức bỏ đi. Không cho tôi giải thích lời nào. Cũng vào một ngày đẹp trời sau Tết Dương lịch, cô chủ dọn nhà và tháo tôi mang cất gương tôi vào một góc nhà kho.
          Cô chủ ra chợ, tậu một chiếc gương khác về. Tôi tin là cô chủ sẽ lựa chọn được chiếc gương vừa với ý của cô chủ. Và đúng như tôi dự đoán, cô chủ tậu được chiếc gương biết làm vừa ý cô. Cái phòng ở mới của tôi là một nhà kho nằm liền vách với phòng cũ của tôi ở. Vì vậy tất cả những cuộc trò chuyện của cô chủ với chiếc gương mới tôi đều nghe được cả.

          Tôi sẽ kể cho các bạn nghe vào các ngày sau.
(Vũ Đức Cảnh- 15 giờ ngày 23 tháng 3 năm 2014)

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Cảm tưởng khi xem Táo Giao thông

Giao thừa xem Táo Giao thông,
Tôi nghe anh nói mà lòng ngổn ngang,
Anh nằng nặc xin Ngọc Hoàng,
Cho anh có lỗi, anh sang cùng chiều.

Cùng chiều, đi với lũ điêu,
Làm ít nói nhiều, gạt dưới lừa trên,
Chỉ cần đánh trống, ghi tên,
Hết tháng lấy tiền, sống chết mặc bay.

Ngọc Hoàng ơi, Ngài có hay?
Táo như bọn này: hạ giới bất an,
Đói khổ, đau đớn, lầm than,
Kẻ còng lưng làm, đứa thẳng lưng ăn.

Ai mà tỏ ý băn khoăn,
Táo sẽ thù hằn, đá thúng - đụng nia,
Chức lớn: Táo cho ra ria,
Chức bé: Táo buộc chầu rìa bưng bê.

Mỗi năm, Tết đến - Xuân về,
Ngọc Hoàng nghe tấu, vỗ về nhân gian,
Ngài bị bưng bít hoàn toàn,
Ngài dâu biết được thế gian cơ hàn.

Người ngay thì sợ kẻ gian,
Người trung thực, xếp vào hàng kẻ điên,
Đánh đĩ thì dạy chính chuyên,
Trấn của, cướp tiền thì dạy thanh liêm.

Muốn yên thì phải đi đêm,
Ai muốn buồn phiền thì thực, thì ngay,
Làm láo, báo cáo rằng hay,
Làm thế nọ, bảo thế này mới thiêng.

Thẳng thì phải nói rằng nghiêng,
Chẳng cần giỏi, chỉ cần siêng miệng mồm,
Tay bịt mũi, miệng khen thơm,
Bụng tính mưu hiểm, kế thâm hại người.

Ngọc Hoàng ngự ở trên Giời,
Mong Ngài xuống, thử làm người trần gian,
Ngài thấy nhiều chuyện oái oăm,
Ngài hỏi tội lũ "mồm năm miệng mười".

Ngài hạch tội lũ "mọt người",
Ngài vạch kế sách cho đời thêm xuân,
Mong Ngài là đấng "minh quân",
Ngài "có mắt" để cõi trần yên vui.

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Chồng em

Ai bảo rằng chồng - ấy cái gông,
Không làm mà cứ chạy lông nhông,
Kiếm không ra nổi đôi đồng cắc,
Sáng xỉn, chiều say, lại cục cằn.
Vợ con phải sớm tối nhọc nhằn,
Lận đận quanh năm để kiếm ăn,
- Ngày lo không đủ hai bữa rượu,
Mày chớ trách ông thượng cẳng chân.

Nghèo khó quanh năm phải nợ nần,
Chồng không tu chí vợ cực thân,
Xung quanh làng xóm luôn giàu có,
Duy nhất nhà ta phải chạy ăn.

Ông chẳng ra ông, thằng dở thằng,
Tính tình gia trưởng lại hung hăng,
Cờ bạc ăn chơi, ông đủ món,
Riêng món làm ăn chỉ loăng quăng.
Chồng em như xe máy hết xăng,
Gầy gò ốm yếu, chẳng còn hăng,
Đến lượt trả bài: - Phanh phệt phoá! (1)
- Phanh phợ, phôm phau phả phấp phôi! (2)
Đêm nằm năn nỉ gọi: - Anh ơi!
- Anh có thương cho cái đời tôi!
Con ta nhỏ dại, ai chăm sóc?
Rồi tới, tương lai chúng tối om.

Chồng nghĩ: - Nhà ta bị om xòm,
Tuổi ta trai tráng lại còm nhom,
Nghĩ lại trăm đường do tại rượu,
Phải bỏ ngay thôi để vợ yêu.

 

Mọi việc lo toan sáng đến chiều,
Của tiền rủng rỉnh chẳng thèm tiêu,
Lương chín phần mười đem nộp vợ, (3)
Thuế luôn vượt mức, vợ sướng tê.
                                           (Vũ Đức Cảnh, 11-3-2014)
Chú thích:
(1) Phanh phệt phoá = Anh mệt quá.
(2) 
Phanh phợ, phôm phau phả phấp phôi = Anh nợ, hôm sau trả gấp đôi.
(3) Lương chia làm 10 phần thì chín phần mang nộp cho vợ.



Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Chị em trường ta

Trường ta ba chục giáo viên,
Hai mươi sáu chị đều hiền như nai,
Số đông thuộc đội chân dài,
Số còn lại - chẳng chân dài vẫn xinh.

Cao tuổi nhất, có chị Tình,
Luôn nhận việc khó về mình chẳng than,
Chị Bản thủ trưởng cơ quan,
Trung tâm đoàn kết của toàn trường ta.

Tiếp đến chị Hường thứ ba,
Là hoa hậu già trong mắt chị em,
Ngó sang chị Luyến mà xem,
Cơ ngơi đồ sộ như miền núi non.

Người nho nhỏ lại thon thon,
Ăn ở vuông tròn đích thị cô Hương,
Nói năng thì ngọt như đường,
Cô Hài tổ trưởng tinh tường chuyên môn.

Chẳng thanh thanh, chẳng thon thon,
Dáng đẹp tròn tròn, thì đúng cô Thanh,
Nhỏ nhắn, dáng người mành mành,
Tính nết hiền lành, thì đó cô Tươi.

Dù giận ai, vẫn tươi cười,
Điềm đạm tình người, thì rõ cô Văn,
Vô tư, lòng chẳng băn khoăn,
Cô Huệ tươi tắn quanh năm vui cười.

Năng luyện tập, rất yêu đời,
Cô Nghiêm dáng chuẩn như người diễn viên,
Giỏi công nghệ- nhất cô Liên,
Năng động dịu hiền, chị ngợi-em ca.

Chẳng cần trông, vẫn nhận ra,
Tiếng nói trong trẻo ấy là cô Loan,
Đủng đỉnh nhất, là cô Giang,
Chăm lo việc, chẳng luận bàn nhỏ to.

Luôn nhỏ nhẹ, chẳng nói to,
Ấy là cô Dịu, dáng to, hơi tròn,
Luôn lo lắng đến gầy mòn,
Đó là cô Huế thon thon, gầy gầy.

Lạc quan, tươi tắn mọi ngày,
Tên như hương ướp, cô này - cô Thơm,
Biết thời sự có cô Tâm,
Chăm chỉ sưu tầm kiến thức Tây Đông.

Cô hoa hậu sinh năm Rồng,
Tên cô là Hảo đẹp không gì bằng,
Xinh tươi như đoá bằng lăng,
Vừa duyên dáng, lại dịu dàng - cô Thêu.

Người mà - ai trông cũng yêu,
Dáng chuẩn mọi chiều, cô ấy Việt Anh,
Người thanh tiếng nói cũng thanh,
Giỏi vẽ tạo hình, thì đấy cô Lương.

Dáng khệ nệ, đến là thương,
Vác bụng đến trường thì đó cô Nguyên,
Thủ thư vừa hồng vừa chuyên,
Cô Thương thư viện vừa hiền vừa ngoan.

Cô Hằng dạy tiếng Inh-lan (England)
Dạy bọn trẻ biết se-vần, ết, nai, (1)
Cô Bích, xinh chẳng kém ai,
Làm công tác Đội, trẻ hoài thêm xuân.

Có nam có nữ mới xuân,
Các cô xinh đẹp có phần những ai?
Hà-Cảnh-Du-Hiển mát tay, (2)
Chăm sóc các chị càng ngày càng xinh.
                                      (Vũ Đức Cảnh)
Chú thích: 
Ảnh của các chị em được đăng cụ thể tại trang web: vuduccanhgv.com
(1) se-vần (seven- số 7), eight (ết- số 8), nine (nai- số 9).
(2) 4 thầy giáo trong trường.