Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Thói đời

       
Bần cư trung thị vô nhân vấn (Nghèo khó mà ở giữa chợ thì cũng chẳng ai hỏi han)
       
Phú tại sơn lâm hữu khách tầm (Giàu có mà ở tận rừng núi thì cũng có người tìm đến)

Vợ chồng cụ già trong miền Nam trúng xổ số hơn 7 tỷ đồng hiện nay đã trở thành người hết tiền. Qua những thông tin khi cụ trúng số và hoàn cảnh hiện nay của hai cụ, tôi thấy thói đời đen bạc thật. Chợt nghĩ đến bài thơ Thói đời của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thế gian biến đổi vũng nên đồi 
Mặn nhạt, chua cay lẫn ngọt bùi 
Còn bạc, còn tiền còn đệ tử 
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi 
Xưa nay đều trọng người chân thực 
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi 
Ở thế mới hay người bạc ác 
Giàu thì tìm đến khó tìm lui.
-------------------------------------------------------------------------------------------------

Hết tiền, hết sạch người thân

“Ngày cụ Hết trúng số hơn 7 tỉ bạc thì ở đâu con cháu họ hàng ùa đến như con ong về tổ. Bây giờ, khi cụ hết sạch tiền thì chẳng mấy ai đến thăm” - người phụ nữ cạnh nhà cụ Hết nói về hoàn cảnh cụ sau 3 năm trở thành tỉ phú. 


Trúng số 7,6 tỉ đồng ở tuổi 97

Gần đến ngày cuối năm, hàng xóm chộn rộn dọn dẹp nhà cửa để đón Tết, chẳng ai để ý đến hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Hết và cụ bà đang ngồi hóng mát ngoài sân vốn đã quá quen thuộc. Ngồi trên chiếc ghế nhỏ trước nhà, ông thấy chị bán vé số vẫn hay đi ngang, ông vẫy lại rồi móc trong túi ra đồng bạc 10 nghìn để mua 1 vé. Chợt bất ngờ nghĩ lại giấc mơ tối qua, ông thấy mình 3 lần trúng số nên ông dặn cô bán số đứng chờ, lọm khọm vào nhà lấy cái phong bao lì xì có đồng 100 nghìn để mua thêm 5 vé nữa.

Mới hơn 5 giờ chiều ông đã nhờ mấy người hàng xóm dò giúp. Cầm xấp vé số cụ Hết đưa, anh T - hàng xóm -  như tá hỏa khi trong 6 vé thì có 1 vé trúng giải may mắn, còn lại 5 tờ thì trúng giải độc đắc với tổng giá trị lên đến 7,6 tỉ đồng. Báo cho cụ biết là cụ đã trở thành tỉ phú, anh này nói cụ nên đi vào nhà, sau đó gọi điện cho đại lý thu đổi vé trúng thưởng đến để kiếm chút hoa hồng. Quá bất ngờ khi giấc mơ đêm trước nay đã trở thành sự thật, cụ Hết quyết định đổi hết 6 vé, lấy tiền mặt cho chắc ăn.

“Khi chiếc xe chở tiền đến, cả xóm như hết hồn vì không ngờ rằng cụ ông 97 tuổi đã trở thành tỉ phú. Mọi người kéo nhau đến xem, từng cục, từng bao tiền được chuyển vào ngôi nhà của cụ trước ánh mắt ngạc nhiên xen chút ghen tỵ của những người chứng kiến. Thấy cụ Hết có thể bị nguy hiểm vì sở hữu số tiền quá lớn, ngay đêm đó mấy anh công an và chính quyền địa phương đã cử người xuống nhà cụ để đề phòng bất trắc” - một người hàng xóm bồi hồi kể lại.

Đêm ấy, người ta thấy cụ Hết và người vợ là cụ Ba đã 82 tuổi bị đãng trí đến khuya vẫn chưa ngủ. Cái tin cụ Hết trúng số chẳng mấy chốc lan xa, ngay chiều hôm sau, những rắc rối bắt đầu ập đến với cụ. Những người lạ mặt ở đâu kéo đến, tự xưng là bà con rồi đi thẳng vào nhà cụ cứ như là quen biết lâu lắm, rồi lục lọi trong nhà để tìm chỗ cụ cất tiền. Trước thái độ đó, một số người đã nhắc nhở thì họ nói “chúng tôi là bà con của cụ, chúng tôi đến để bảo vệ cụ khỏi bị bọn gian đến lấy tiền, mấy người là ai mà cứ xen vào chuyện của người khác thế”. Thấy vậy, cụ nói: “Tiền đã đưa cho chính quyền giữ rồi, từ từ cụ sẽ cho chứ đừng làm như vậy, hàng xóm coi kỳ lắm”. Tuy nhiên, trước những lời của cụ, họ vẫn bỏ ngoài tai rồi tiếp tục lục lọi khắp căn nhà.
  
Một đồn mười, mười đồn trăm…, những ai có bà con xa với cụ hay bên vợ cứ thế ùn ùn đổ về, kể khó, kể khổ rồi khóc lóc cốt chỉ để cụ thương lòng mà cho chút tiền. Chứng kiến những cảnh khó coi đó, những hàng xóm của cụ không giấu được sự bất ngờ. Họ tự hỏi, suốt mấy chục năm trời cụ Hết và vợ sống ở đây có ai đến thăm đâu, nay trúng số thì ở đâu bà con, cháu chắt kéo đến đấm bóp, chăm sóc nhà cửa… cứ làm như là thương cụ lắm. Cám cảnh cho thân cụ, UBND phường đã đề nghị cụ gửi 6 tỉ vào ngân hàng, số tiền còn lại sau khi trừ thuế cụ còn lại khoảng 700 triệu thì để chi tiêu, ban phát cho con cái, cúng dường, ủng hộ… tùy cụ quyết định.

Bị  đãng trí, lại thương người nên chỉ mấy ngày thôi, cụ đã “tiêu” hết cả mấy trăm triệu cho mấy đứa bà con cháu chắt tự nhận dù qua hai đời vợ, cụ có đứa con nào đâu. Không quên ơn nghĩa của mấy sư phụ ở chùa đã cho mình 300 nghìn một tháng để dưỡng lão, cụ cúng dường 55 triệu đồng để nhà chùa giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó. Để trả ơn hàng xóm tốt bụng ngày ngày vẫn cho cụ miếng cơm, con cá, cụ cho mỗi người hàng chục triệu để làm vốn sinh nhai. Thậm chí, những ai xa lạ đến kể lể, cụ cũng lấy tiền ra cho vài triệu để họ có đồng vốn lận lưng, coi như là cho cái cần câu để họ kiếm miếng cơm.

Hết sạch người thân khi… chuẩn bị tái nghèo

Giàu nhanh là thế, cụ Hết cũng chẳng có ước mơ gì cao xa. Căn nhà tình thương được Nhà nước tặng theo diện xóa đói giảm nghèo vốn đã cũ nát, nóng bức, cụ xin mấy anh ở phường được nâng cái nền lên cho mát, rồi áp gạch men để sạch sẽ hơn. Có người nói cụ nên mua thêm máy giặt, tủ lạnh, điều hòa để hưởng thụ vật chất nhưng cụ lắc đầu. Cụ chỉ cần “cái tivi 21 inch” mới để xem cho đã, mua cái máy quạt mới để được mát mỗi khi trời nóng bức. Cụ chỉ cần hàng xóm lui, hàn thuyên với cụ là cụ vui rồi. Dù nắm trong tay cả mấy tỉ đồng, nhưng ước mơ của cụ chỉ là có được một nồi thịt kho để ăn cho đã thèm. Số tiền cụ gửi ở ngân hàng để lấy tiền lãi, lâu lâu cụ lại bảo con cháu rút ra để cho những hoàn cảnh khốn khó…
  
Rồi như một định mệnh bí ẩn của những ai trúng số độc đắc, mấy tháng sau thì vợ ông - cụ Ba - qua đời. Đám tang của cụ Ba ngoài mấy hàng xóm, chính quyền địa phương đến chia buồn thì tuyệt nhiên chả có ai trong số những đứa cháu “đại bác bắn mấy ngày không đến” từng đến xin tiền của cụ có mặt, phúng điếu. Lo tang ma cho vợ xong, trông cụ buồn hẳn, sức khỏe sa sút do thường xuyên thức khuya, suy nghĩ nhiều điều.

Trở lại căn nhà của cụ sau hơn 3 năm cụ Hết trúng số, trước mặt chúng tôi là một căn nhà hiu quạnh, không có người ở. Hỏi mấy anh chị có nhà bên cạnh, họ nói: “Cụ đã chuyển lên quận Gò Vấp ở với đứa cháu họ rồi. Từ ngày cụ đi, căn nhà khóa cửa im ỉm, đêm đến thì tối om, chỉ nghe tiếng chuột chạy rột roạt phát ra từ bên trong. Lâu lâu có người con riêng của cụ Ba sang mở khóa, vào quét dọn, thắp cho cụ Ba nén nhang rồi ra về”. Sao lại ứng với cái tên cụ đến thế: Cụ Hết”.

Sau một hồi kể về cái ngày cụ Hết bất ngờ trở thành tỉ phú, một chị trung niên thở dài: “Trời cho trúng số bạc tỉ, tưởng đâu cụ có lộc tuổi già. Vậy mà chỉ mới có mấy tháng thì vợ mất, con cháu nghi kỵ cãi nhau cũng chỉ vì tiền. Hồi cụ còn ở đây, nhiều lúc cụ than thân trách phận rồi lại tiếp tục mua vé số. Có sẵn tiền, cụ mua ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là sau khi cụ trúng thêm một lần mấy tờ giải bảy, mỗi giải chỉ có 600 nghìn đồng. Sau lần ấy, cụ nói là mình còn trúng tiếp 1 lần nữa vì trong mơ cụ thấy mình trúng số tới 3 lần”. Do tuổi đã cao, lại bị đãng trí nên cứ hứng lên là cụ lại lệnh cho con cháu rút tiền để mua vé số, thích cho ai thì cho, chẳng cần nghĩ ngợi.

Hỏi về địa chỉ của người cháu đang cưu mang cụ, chúng tôi nhận được cái lắc đầu của mấy hàng xóm. Có người nói là cụ đã lên trên quận Gò Vấp từ cuối năm 2012, lại có người cho rằng cụ đi từ đầu năm 2012 nhưng tựu chung lại là do cụ buồn, sức khỏe yếu lại bị mấy người lạ ở đâu đến xin tiền nên mấy đứa cháu mới đưa cụ đi chỗ khác để nuôi nấng vì dù sao mỗi tháng cụ cũng có được hơn chục triệu tiền lãi từ ngân hàng.

Một người hàng xóm già bảo: “Trúng số, làm phước nhiều như cụ Hết còn khổ vậy thì thà không trúng còn hơn. Suốt 30 năm ổng mua vé số, tưởng ông trời thương tình cho lại cái lộc, ai ngờ có tiền tỉ rồi mà vẫn đơn độc, nhà thì không dám ở, lại bỏ xứ ra đi. Nghĩ mà cảm thương cho cụ quá”. Nói đoạn, ông ngồi xuống chiếc ghế, nơi hằng ngày cụ Hết vẫn ngồi hóng mát rồi nói: “Ở đời là thế đó, có tiền thì ở đâu kéo đến nhận bà con, hết tiền thì sống thui thủi một mình. Có lần, trong lúc buồn, cụ Hết nói với mấy đứa cháu hàng xóm, rằng thà cụ không trúng độc đắc chắc cụ hạnh phúc hơn”.

Theo Trường Sơn
Lao Động





Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Nhất khuyển phệ hình, bách khuyển phệ thanh (一 犬 吠 形, 百 犬 吠 聲)

           Cún là một con chó được nuôi để trông nhà. Đêm ấy, nó thức để trông nhà cho ông chủ của nó. Nửa đêm, khi làng xóm ngủ say, nó thấy bóng một tên trộm đi về phía cổng của ngôi nhà nó đang canh giữ. Thấy vậy, nó sủa lên rất dữ dội, chủ nhà nghe thấy cũng thức dậy. Tên trộm thấy động liền bỏ đi.
          Thấy tiếng sủa của Cún, các con chó được nuôi trong xóm cũng sủa lên. Tất cả lũ chó trong xóm cùng sủa.
          Sáng hôm sau, lũ chó được các nhà chủ thả ra để cho đi vệ sinh và chạy nhảy. Cún được gặp lại bạn là những con chó hàng xóm. Lũ chó hàng xóm xúm lại, nhao nhao hỏi Cún:
          - Này anh Cún! Đêm qua làm sao mà anh sủa dữ vậy?
          - Đêm qua nhà chủ tôi có trộm! Thế còn nhà các bạn làm sao mà các bạn sủa dữ vậy? Cún hỏi.
          - Là ... vì...  ... Lũ chó hàng xóm ngập ngừng.
          - Vì sao? Hay nhà các bạn cũng có trộm? Cún hỏi.
          - Không phải! Làm gì có trộm nào! Chúng tôi thấy tiếng anh sủa nên chúng tôi cũng sủa lên. Lũ chó hàng xóm trả lời.
          - Các bạn có thấy rằng các bạn đã làm một việc làm vô bổ không? Nếu không cẩn thận các bạn tự rước hoạ vào mình đấy. Cún nói.
          - Sao vậy? Anh Cún nói rõ hơn được không? Lũ chó hàng xóm hỏi.
          - Nhà của chủ tôi có trộm nên tôi sủa để đuổi trộm và báo cho chủ tôi biết mà dậy để đuổi trộm. Nhà các bạn có trộm đâu mà sủa, các bạn đã mắc hai tội: Tội thứ nhất nhà không có trộm mà sủa là đánh lừa chủ, tội thứ hai là làm mất giấc ngủ của chủ. Nếu các bạn cứ a dua như thế, có ngày các bạn bị chủ cho vào xoong để làm "cầy tơ 7 món đấy". Cún nói.

          - Ôi! Cảm ơn anh Cún nhiều, nhờ anh mà chúng tôi  ngộ ra được nhiều điều...Lũ chó hàng xóm thẹn thùng.

Xin cho những lời nhận xét vào mục Không có nhận xét nào ở phía dưới

(Vũ Đức Cảnh)

Chú thích: Nhất khuyển phệ hình, bách khuyển phệ thanh (Một con chó nhìn thấy hình người lạ thì nó sủa, một trăm con chó khác chẳng nhìn thấy gì chỉ nghe thấy tiếng sủa của con chó ban đầu cũng cứ sủa om lên)

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Là Vợ

Trời sinh mình ra là gái
Sẽ về làm vợ người ta
Là về làm dâu nhà khác
Công dung ngôn hạnh làm đầu.

Trời sinh ra mình phận vợ
Nói ngọt thì lọt đến xương
Nói năng đừng nên cau có
Phải luôn trên kính dưới nhường.

Trời sinh ra mình làm vợ
Luôn giữ tổ ấm gia đình
Hãy nhớ cơm sôi nhỏ lửa
Cửa nhà lúc nào cũng yên.

Trời sinh mình ra làm vợ
Con mình sinh là con trai
Đối với mẹ chồng hiếu thuận
Sau này mình có con dâu.

Nếu con mình là con gái
Sau cũng làm dâu nhà người
Dạy con ngoan hiền, đức hạnh
Để làm dâu thảo người ta.

Trời sinh mình ra làm vợ
Phải yêu quý người nhà chồng
Đừng nên mặt mày nặng nhẹ
Kẻo làng xóm lại cười chê.

Trời sinh mình ra làm vợ
Chớ ăn thua đủ với chồng
Chồng giận lảng đi chỗ khác
Lửa to chớ đổ thêm dầu.

Trời sinh mình ra làm vợ
Mềm mỏng thiên tính của mình
Lạt mềm thì luôn buộc chặt
Thuận hoà tát cạn Biển Đông.
                          (Vũ Đức Cảnh)


Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Nghệ thuật Ghen

Ghen thì có nhiều kiểu. Trên Ti vi, đài báo nói nhiều về các vụ đánh ghen rùng rợn. Nhưng cũng có những kiểu đánh ghen làm cho mọi người phải suy ngẫm. Như câu chuyện sau đây(Chuyện có thật 100% nhưng vì lí do tế nhị nên tên các nhân vật được đổi), mời các bạn tham khảo.

            Vợ chồng anh Nam và chị Nữ (tên họ do tôi tự đặt) thật là đẹp đôi. Gia đình giàu có, anh chị yêu nhau một thời gian dài rồi mới cưới. Anh và chị đều có địa vị trong xã hội. Họ là vợ chồng trẻ thành đạt. Nhà anh có mấy chiếc ô tô chở hàng thuê nên không phải lo về cơm áo gạo tiền. Chị xinh, anh đẹp. Anh Nam là người cao to đẹp trai và trông dáng thật phong trần và nghệ sĩ. Vì vậy gái theo cũng nhiều.
           Rồi anh cặp kè với một cô ít tuổi hơn vợ và cũng thật xinh. Mọi người trong gia đình chồng đều phản đối anh. Vợ anh đến cơ quan, mọi người còn tức thay cho chị. Người thì bảo rằng phải xé xác kẻ cướp chồng mình, người thì bảo phải cho nó một trận nên thân. Nói tóm lại chị em bạn của vợ ở cơ quan người ta rất bức xúc. Còn chị, chị chỉ lặng yên với vẻ mặt buồn buồn.
             Gia đình anh Nam từ bố mẹ đến anh chị em ruột đều bực tức, họ bàn cách bắt quả tang khi anh Nam và cô gái kia hành sự.
             Rồi có nguồn tin báo cho bà chị ruột của anh Nam. Bà chị kéo thêm mấy người em ruột nữa đi và lôi cho kì được chị Nữ vợ anh Nam đi để đánh ghen. Cực chẳng đã, chị Nữ phải đi theo các anh chị nhà chồng.
             Biết rõ anh Nam và cô gái kia ở trong một khách sạn, mọi người kéo nhau đến. Họ bắt quả tang đôi trai gái đang say mê hành sự. Các chị ruột anh Nam thì làm tanh bành lên, xông vào để ăn thua với cô gái kia. Còn chị Nữ vợ anh Nam thì không nói gì, chứng kiến mọi việc xảy ra trước mắt mình. Các bà chị lại càng tức lôi chị Nữ vào để ít nhất thì cũng cho cô gái kia một vài cái bạt tai.
          Chị Nữ đi vào gần cô gái, giơ tay chỉ về phía chồng mình và nhỏ nhẹ với cô gái:
          - Bạn ơi bạn nhầm rồi, đây là chồng của tớ!
          Và chị quay sang anh Nam chồng của chị và nói một câu rất nhỏ nhẹ:
          - Anh ơi về đi, các con đang đợi ở nhà!

Xin cho nhận xét, bình luận vào đường dẫn Không có nhận xét nào:  ở bên dưới của bài viết

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Số má thế này ư?

Chúng ta biết, hỗn số gồm phần nguyên và phần phân số. Phân phân số nằm trong hỗn số phải có tử số luôn nhỏ hơn mẫu số. Nói cách khác, hỗn số là phép chia số tự nhiên có dư. Phép chia có dư thì số dư bao giờ cũng nhỏ hơn số chia. Số chia là Mẫu số nằm trong phần phân số của hỗn số, số dư là Tử số nằm trong phần phân số của hỗn số.
Lâu không để ý, hôm nay giở đến quyển Toán Tuổi Thơ-một ấn phẩm nổi tiếng của Toán học bậc tiểu học - tôi thấy nó thế này đây. Xin chụp lại y nguyên cho các bạn xem.

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Hài hước về Sạch - Bẩn

             Sạch và bẩn là hai từ trái nghĩa nhau. Ai cũng có thể hiểu sạch, bẩn là gì và hiểu về những biểu hiện cụ thể về sạch và bẩn.
             Trong thời gian đi học nâng cao, tại lớp Đại học của tôi, cô giáo tuy già nhưng rất vui tính. Nhân lúc rảnh rỗi trong giờ giải lao. Cô đọc cho chúng tôi nghe bài thơ sau, xin chép lại cho các bạn tham khảo. (Tiêu đề do tôi tự đặt)
                                                           Sạch và Bẩn
                                      Đường sạch gì mà em buông váy,
                             Giường bẩn gì mà em vén váy lên,
                             Thức ăn bẩn gì mà em dùng đũa,
                             Cái ấy sạch gì mà em bốc bằng tay.


Xin cho nhận xét, bình luận vào đường dẫn Không có nhận xét nào:  ở bên dưới của bài viết

Bài tri ân của HS Phạm Thị Phương Thảo



Xin cho nhận xét, bình luận vào đường dẫn Không có nhận xét nào:  ở bên dưới của bài viết

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Luộc trứng húp cả nước.

          Ngày nảy ngày nay, ở một vương quốc nọ có một ông vua nổi tiếng là tham lam.
          Ông ta dùng quyền lực của mình bắt buộc các quan dưới quyền phải làm mọi việc theo sai khiến của ông. Ông lệnh cho các quan khắp mọi nơi về triều đình họp. Trong buổi thiết triều, ông hướng dẫn các quan cách thức và phương pháp để đánh lừa nhân dân. Xây dựng các công trình hết ít tiền thì bảo là nhiều tiền. Các quan làm ít thì bảo làm nhiều. Hoặc bắt họ phải tìm cách bày đặt ra nhiều thư thuế để bắt dân phải đóng góp.
          Tiền bất chính thu về cho Nhà vua thì rất nhiều nhưng Ngài phân phát bổng lộc cho các quan rất ít hầu như không có gì. Ngài cho phép các quan tự do nêu ý kiến của mình nhưng không ai dám nói vì sợ Ngài trù dập, sợ Ngài cách chức. Các quan chỉ chờ đợi sẽ có một vị quan thanh liêm nào đó sẽ phát biểu thay mình. Như vậy các quan vừa được lợi từ việc vị quan thanh liêm kia phát biểu vừa không bị vua ghét. Các quan chỉ hậm hụi sau lưng nhà vua chứ không dám mở mồm ra trước mặt vua.
          Một hôm, nhân có buổi họp triều đình. Hứng chí lên, Nhà vua mới bảo các quan hãy nghĩ xem trong thiên hạ có món nào dân dã mà lại ngon thì tâu lên vua sẽ ban thưởng.
          Các quan nghĩ nát óc không biết tìm món gì thì có một vị quan bước ra và tâu vua.
          - Muôn tâu Bệ hạ, thần sẽ làm cho Bệ hạ một món ăn rất dân dã mà lại ngon!
          Vua vui mừng sai người đi phụ giúp vị quan đó để làm món ăn.
          Một lúc sau, vị quan đó dâng lên nhà vua một đĩa trứng gà luộc và một bát nước luộc trứng. Lâu nay Nhà vua không để ý đến món ăn này nên dù ăn trứng chấm với muối mà Ngài ăn hết một đĩa to.
          Ăn xong, Ngài bảo vị quan phục vụ:
          - Đưa cho ta nốt bát nước luộc trứng.
          Thế rồi, Ngài uống một hơi hết bát nước luộc trứng. Các quan trông thấy vậy ai cũng kinh ngạc về sức ăn và uống của nhà vua. Nhà vua hỏi các quan xem món trứng luộc có ngon không? Và Ngài bảo các đại thần rằng:
          - Các ngươi phải cùng nhau nghĩ ra một câu nói bình luận về sự việc vừa rồi. Nói hay ta thưởng!
          Các quan đều đồng thanh tâu lên:
          - Muôn tâu Bệ hạ! Ngài ăn trứng và húp cả nước ạ!
          Tất cả cùng cười....
         
Xin cho nhận xét, bình luận vào đường dẫn Không có nhận xét nào:  ở bên dưới của bài viết



Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Có linh hồn không?

Bà ngoại tôi mất đã gần 20 năm rồi. Nếu còn sống năm nay bà đã 100 tuổi. Sinh thời, bà tôi không biết chữ. Tuy không biết chữ nhưng bà thuộc rất nhiều thơ ca, hò vè, ... Bà luôn răn dạy chúng tôi những điều hay lẽ phải trong cuộc sống thường ngày. Cứ đến gần ngày nhà có Giỗ hay gần Tết, bà tôi lại thường hay mang câu chuyện này ra để nhắc nhở chúng tôi. Bà nhắc chúng tôi :"Ngày Giỗ, ngày Tết cụ kị ông bà về vui cùng con cháu nên trong nhà mọi người phải vui vẻ, không được cãi chửi nhau to tiếng. Nếu không, cụ kị, ông bà sẽ không vui". Không xét đến khía cạnh thật hay giả nhưng những lời của bà trong câu chuyện này làm cho tôi rất thấm thía. Tôi vẫn thường giữ đúng những lời bà nhắc nhở mỗi khi nhà có Giỗ, Tết. Lời bà ngoại, tôi xin biên soạn lại thành một câu chuyện cho mọi người dễ hiểu.

-----------------**@**---------------

       Trời đã tối, người khách ấy vẫn mải miết đi. Ông càng đi vội hơn để kịp về nhà vì nhà ông còn xa. Nhưng bước chân người không thắng nổi bước chân của thời gian, trời đã tối.
       Cách chỗ ông không xa, nhà cửa san sát, tiếng cười nói râm ran. Ông xin ngủ trọ tại nhà một người đàn ông nọ.  Trước khi đi ngủ, ông đi vòng quanh nơi ông trọ một vòng. Có điều lạ mà ông thấy là gần như nhà nào cũng chỉ có một người ở (đàn ông hoặc đàn bà, hiếm có nhà nào có cả đàn ông và đàn bà).
       Khi đang mơ màng sau một ngày đi lại vất vả, ông nghe tiếng những người hàng xóm hỏi ông chủ nhà:
       - Ông T... đi ăn cỗ có to không? Con cháu về đông đủ không?
       - To tát cái gì, chúng nó toàn đồ mất dạy cả! - Ông T... trả lời.
       - Sao lâu mới về mà lại giận dỗi con cháu thế? - Người hàng xóm hỏi.
       - Bực quá ông ạ! Đi về ăn cỗ nhưng tôi có cái gì vào bụng đâu, vẫn đói đây này.- Ông T... trả lời.
       - Chúng nó không làm cỗ cúng ông à? - Người hàng xóm hỏi
      - Có, chúng mổ nhiều gà, chim, ... để cúng ngày giỗ của tôi. Nhưng vợ chồng chúng lại cãi nhau, đánh nhau lộn cả lên, tôi buồn nên chẳng ăn được cái gì!  - Ông T... trả lời.
       - Làm sao chúng cãi nhau? - Người hàng xóm hỏi.
       - Có gì đâu ông ơi. Thằng Q... chồng nó mổ gà ở cầu ao. Mải làm, con dao rơi xuống nước lúc nào không biết. Không tìm thấy dao, chồng gắt vợ, vợ cãi chồng. Thế là chúng cãi nhau to. Tôi vui gì khi ngày giỗ của tôi mà chúng cãi nhau. Thử hỏi tôi ăn làm sao được? - Ông T... giãi bày.
        Ông khách nghe được hết câu chuyện đó trong giấc ngủ mơ màng của mình.
        Sáng hôm sau tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trơ trên một chiếc mộ dài, bên cạnh xe máy, đồ đạc còn nguyên. Hoá ra tối qua, ông đã ngủ nhờ nhà của những người âm mà không biết.
       Nhớ lại giấc mơ đêm qua, nhìn lại bia mộ có tên  và ngày mất cùng quê quán của người mất. Ông quyết định trở lại ngôi làng đó. Hỏi thăm đúng  nhà ông Q....
         Ông khách hỏi ông Q...:
       - Hôm qua là ngày giỗ cụ T... bố đẻ ra ông phải không?
       - Vâng! Đúng thế! Có điều gì không bác? - Ông Q... hỏi lại.
       - Ông đánh mất con dao và vợ chồng ông cãi nhau to phải không? -Ông khách hỏi ông Q...
       - Đúng vậy bác ạ! - Ông Q... hỏi lại.
       - Ông hãy xuống chân cầu ao mà mò, sẽ thấy con dao bị mất! - Ông khách bảo.
       Ông Q... lo sợ lội xuống chân cầu ao và mò lên được con dao mổ gà đánh mất từ hôm qua.
       - Bác là thầy bói, thầy phù thuỷ cao tay phải không?  - Ông Q... hỏi.
       - Tôi chẳng là thầy bói, thầy phù thuỷ gì đâu. 
Rồi ông khách kể lại cho ông Q nghe đầu đuôi câu chuyện mình ngủ nhờ đêm qua và những gì mình đã nghe được về cuộc trò chuyện của linh hồn cụ T... (bố ông Q...) với các linh hồn khác vào đêm qua.
       Vợ chồng ông Q... ngồi nghe mà run sợ.
       Họ bảo nhau đi sửa soạn lại một mâm cơm để cúng bố mình vì hôm qua là ngày giỗ của bố ông nhưng vợ chồng ông cãi nhau nên bố ông buồn không ăn uống gì được.


 Xin cho nhận xét, bình luận vào đường dẫn Không có nhận xét nào:  ở bên dưới của bài viết

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Những vết đinh

            Một cậu bé nọ có tính xấu là rất hay nổi nóng. Một hôm, cha cậu bé đưa cho cậu một túi đinh rồi nói với cậu: “Mỗi khi con nổi nóng với ai đó thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một cái đinh lên chiếc hàng rào gỗ.” 
          Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng tất cả 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần, cậu bé đã tập kiềm chế cơn giận của mình và số lượng đinh cậu đóng trên lên hàng rào ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình còn dễ hơn là phải đi đóng một cây đinh lên hàng rào.
          Đến một ngày, cậu đã không nổi giận một lần nào suốt cả ngày. Cậu đến thưa với cha và ông bảo: “Tốt lắm, bây giờ nếu sau mỗi ngày mà con không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần, con hãy nhổ một cây đinh ra khỏi hàng rào.”
          Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé đã vui mừng hãnh diện tìm cha mình báo rằng đã không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa. 
Cha cậu liền đến bên hàng rào. 
          Ở đó, ông nhỏ nhẹ nói với cậu: “Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh còn để lại trên hàng rào. Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng giống như những lỗ đinh này, chúng để lại những vết thương rất khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó con có nói xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn lại mãi mãi. Con hãy luôn nhớ: vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả những vết thương thể xác. Những người xung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ giúp con cười và giúp con mọi chuyện. Họ nghe con than thở khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở trái tim mình ra cho con. Hãy nhớ lấy lời cha...”

Xin cho nhận xét, bình luận vào đường dẫn Không có nhận xét nào:  ở bên dưới của bài viết



Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Nên đặt lòng tốt vào chỗ nào?

            "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng..." 
          Lời bài hát văng vẳng bên tai làm cho tôi không biết vui hay buồn. Trong cuộc sống có rất nhiều người tốt. Nhưng khi lòng tốt ấy lại bị chính những người được lợi từ lòng tốt giẫm đạp lên không thương tiếc thì còn gì buồn hơn.
           Trưa nay, nghe mẹ tôi kể câu chuyện giúp người lại bị chính người hại, tôi thấy sự việc không còn cá biệt nữa. Buộc lòng phải viết này để bày tỏ nỗi bức xúc.

Câu chuyện 1:
           Nhà anh rất gần nhà tôi. Vì nghèo, anh đi làm than ở Quảng Ninh. Trong một lần đi nhặt than, anh bị vỉa than lộ thiên sập vào người. Anh tử vong không ai biết. Đến tối, anh em cùng làng đi làm về, không thấy anh họ bổ đi tìm. Những người dân cạnh đó bảo buổi chiều có một anh hình dáng như thế này... thế này ... nhặt than ở đây. Khi vỉa than sập không thấy anh đâu.
           Anh em cùng làng đoán là anh bị vỉa than lớn đè vào và anh đang nằm trong đống than. Anh em cùng làng cùng đi làm ăn với nhau bèn hò nhau đào bới. Đến nửa đêm thì tìm thấy anh , anh đã bị chết.
           Sau khi làm hết mọi thủ tục với chính quyền sở tại. Công việc đưa anh về được tiến hành. Mọi người đi thuê xe nhưng không xe nào chịu chở thuê vì không có người ruột thịt của người chết ở đó. Cuối cùng, sau khi nói khó, một anh lái xe 7 chỗ đã đồng ý với anh em cùng làng là đưa người xấu số về quê.
           Về đến nhà, chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao nhưng họ hàng nhà anh nhất định đòi xử lí người lái xe thuê. Họ đòi giữ xe, đòi hành hung. Đến cả những người cùng làng có công đào bới anh, đưa anh về cũng bị họ hàng nhà anh nghi cho là liên quan đến cái chết của anh. Tất cả những người có công đào bới tìm anh, có công đưa anh về, đã không được một câu cảm ơn từ gia đình họ hàng của anh. Đành rằng tang gia bối rối nhưng chẳng lẽ cả một họ không có một người tỉnh táo hay sao mà để một việc đáng tiếc như vậy xảy ra?

Câu chuyện 2:
            Anh H...là người sống rất đạo đức, nhà anh cùng khu phố với nhà tôi. Anh là giảng viên một trường cao đẳng có tiếng trong tỉnh. Nói đến anh, người khó tính nhất cũng chẳng chê anh điểm gì về đường ăn nết ở.
              Tính tình anh hết sức điềm đạm. Anh hết sức cẩn thận. Anh đi xe máy nhưng chỉ nhanh hơn người đi xe đạp một tí. Anh bảo là đi thế cho an toàn, vẫn nhanh hơn xe đạp và không mất công đạp xe.
               Một hôm anh về quê vợ anh ở VG. Khi đi đến lối rẽ từ Đường Quốc lộ vào VG, anh gặp phải một vụ tai nạn.
              Một người phụ nữ đi xe máy, bị xe máy khác tông vào gãy chân, kẻ gây tai nạn đã bỏ chạy. Người bị tai nạn thì đang đau đớn vì cái chân gãy của mình.
             Anh đã xuống xe, chở người phụ nữ bị nạn đi cấp cứu. Khi đến viện, anh làm mọi thủ tục nhập viện,...v v cho chị phụ nữ bị tai nạn. Anh điện về cho người nhà họ lên.
              Người nhà họ lên đến viện. Không chào hỏi, cảm ơn anh một câu, vợ chồng chị phụ nữ bị tai nạn cột cổ cho anh là anh gây tai nạn với chị ta. Đất khách quê người. Anh lại là một người sùng đạo nên nghĩ đó là cái hạn của mình. Anh phải đền tiền chữa xe máy, đền tiền viện phí cho qua chuyện. 
            Anh nói với chúng tôi :"Không phải nó bị tai nạn mà chính mình mới là người gặp tai nạn"

Câu chuyện 3:
               Anh Th...làm nghề buôn  tôm, cá, ba ba,... Nhà anh cũng gần nơi tôi ở. Anh hay phải chạy hàng về tờ mờ sáng cho kịp các phiên chợ.
                Hôm ấy, như mọi ngày, anh chở chuyến cá đi sang tỉnh bên. Đến đoạn đường ấy có một người phụ nữ đi xe máy do không cẩn thận bị tai nạn.
                Anh đã xuống sơ cứu cho chị ta. Sẵn có điện thoại di động, anh gọi cho người nhà chị ra để cho chị đi viện. Người nhà chị chạy ra, không biết phải trái, họ vu cho anh làm người nhà họ tai nạn, họ quây vào đánh anh một trận đau và cách họ trả ơn "hay nhất" giành cho anh là anh suýt bị lòi mắt (nói theo nghĩa đen). 
                Anh đã phải chữa trị nhiều tháng trời mới cứu được con mắt của anh khỏi bị mù. Mắt anh bây giờ thị lực gần như không còn gì. Đó là món quà "ý nghĩa" mà người mang ơn anh đã trả cho anh.

Câu chuyện 4:
                 Câu chuyện mới xảy ra cách đây không lâu (14/7/2010) với anh H...(người làm cùng với mẹ tôi).
                  Anh H... đi xe máy về quê ở xã NC. Đi đến gần xã anh, anh gặp một vụ tai nạn do một cô gái đi xe máy do trời tối đã đâm vào đống gạch bên đường. Anh đi đến nơi thấy vậy, anh nâng cô gái lên. Xe của cô gái bị hỏng không đi được. Anh đành đi xe mình và kéo hộ cả xe lẫn người về nhà cô ta.
                   Về đến nhà cô ta, anh em cô ta xông ra đánh anh một trận suýt chết. Mặc dù cô gái nói với bố mẹ và anh em mình rằng anh H... không gây tai nạn mà chỉ là người giúp kéo cô ấy về nhà. Nhưng anh em cô vẫn xông vào đánh anh H....
                   Nói trong sự bực tức, anh H... bảo:"Từ nay cạch đến già, đứa nào tai nạn mặc nó không rỗi hơi mà giúp".
                Cộng đồng đang kêu gọi :"Người người làm việc thiện. Nhà nhà làm việc thiện". 
                   Nhưng khi chứng kiến những việc có thật trên đây, tôi thật hết chịu nổi.
                   Tôi tự hỏi:
                  Ta nên đặt lòng tốt vào chỗ nào?




Xin cho nhận xét, bình luận vào đường dẫn Không có nhận xét nào:  ở bên dưới của bài viết

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Hắn

            Vất vả, lam lũ, tủi nhục, ... , thành công. Đó là tất cả những gì có thể nói tóm tắt về Hắn.
            Sinh ra trong hoàn cảnh thật éo le. Hắn không biết bố hắn là ai. Từ nhỏ, Hắn ở với mẹ và bà ngoại của mình. Tuổi thơ đầy nhọc nhằn khổ ải nhưng may cho Hắn  là không bao giờbị đói. Hắn chẳng có anh em ruột thịt, trước sau chỉ có bà ngoại, mẹ và gia đình người bác gái của Hắn. Dù nhỏ tuổi nhưng Hắn đã biết làm lụng mọi việc. Tuy là con duy nhất nhưng Hắn phải làm việc từ bé, không được chơi bời, nuông chiều như chúng bạn cùng trang lứa.
            Mẹ Hắn đi dạy học cách nhà 7, 8 cây số. Cái thời bao cấp, làm việc ngày 8 tiếng ban ngày rồi nhưng đến tối lại hội thảo, họp chuyên môn nên mẹ Hắn hầu hết thời gian ở trường.
            Ngày nào cũng vậy, sáng, khi Hắn thức dậy thì đã không thấy mẹ mình đâu, vì mẹ Hắn phải đi bộ từ lúc chưa rõ mặt người để đến trường đúng giờ dạy học. Đêm về, khi Hắn đã ngủ say thì mẹ Hắn mới đi bộ về đến nhà. Thành ra Hắn chỉ gặp mẹ mình có một tí thời gian về đêm.
            Hằng ngày, trừ lúc đi học, Hắn phải làm việc cho nhà bác gái của Hắn. Vì mẹ Hắn chỉ có hai chị em gái là bác Hắn và mẹ Hắn , nên mẹ Hắn bảo :" Bác vất vả, con phải làm với bác. Bao giờ bác hết việc thì con mới được chơi". Tuy nhà Hắn không có một tấc ruộng nào nhưng Hắn làm thì gấp nhiều  lần con nhà nông dân.
            Hắn chăm làm, Hắn khoẻ. Năm lên 7 tuổi, Hắn đã cùng chị con nhà bác Hắn đi gánh lúa từ cánh đồng cách làng 3 cây số. Hắn và chị còn bé nên mẹ Hắn và bác Hắn cho chị em Hắn gánh lúa bằng 2 cái thúng (đề phòng khi gánh có bị ngã thì cũng không bị rơi vãi thóc). Mỗi gánh lúa từ đồng về đến nhà tính ra đi hết 7 cây số. Thế mà, cứ như con kiến tha mồi, chị em Hắn cũng gánh hết lúa của  2 mẫu ruộng (2 mẫu = 7 200 m2). Mùa cấy cũng vậy, Hắn làm nhiệm vụ nhổ mạ và chuyển mạ cho bác Hắn và chị Hắn cấy. Hắn chỉ cao và to hơn bó mạ một chút nhưng làm thì khoẻ đáo để. Rồi cứ mải mê làm, bác cháu Hắn cũng cấy xong 2 mẫu ruộng.
            Khi rảnh rỗi, không mùa màng gì, trừ lúc đi học, Hắn lại đôi quang gánh và dắt con trâu ra đồng. Tụi trẻ thì mải chơi trong khi thả trâu. Nhưng Hắn thì không, Hắn dùng thời gian ấy vào việc cắt cỏ. Trâu cứ ăn, người cứ cắt cỏ. Khi trâu ăn no cũng là lúc Hắn cắt xong một gánh cỏ. Lạ thay, là con trai nhưng Hắn khéo thế, hắn xếp cỏ vào quang thật tròn, không nhìn thấy quang đâu. Hắn bảo xếp thế mới được nhiều. Gánh cỏ của Hắn, tụi trẻ bằng tuổi Hắn gánh không nổi mà phải người lớn. Ấy vậy mà Hắn gánh ngon ơ. Khi về, thả trâu đi trước, hắn gánh cỏ theo sau. Nhìn Hắn gánh cỏ, ai cũng khen :"Sao Hắn gánh dẻo, uyển chuyển và mềm mại thế?".
            Lại nói về chuyện chăn trâu. Hắn chăn 3 đời trâu cho nhà bác Hắn. Những con trâu do hợp tác xã chia cho nhà bác Hắn con nào cũng chán. Con thì bé quá, con thì già chỉ còn da bọc xương. Theo năm tháng, qua tay Hắn chăm sóc, tắm rửa, kì cọ, ... con nào cũng béo tốt, da bóng, lông mượt.
 Hắn sống tình cảm nên hình như các con trâu cũng quý Hắn. Con nào cũng ngoan, không cần dắt thừng, Hắn chỉ điều khiển chúng bằng lời nói, vậy mà chúng nghe răm rắp. Khi chăn trâu, trâu nhà Hắn không dám ăn lúa.

            Khi con trâu nhà bác Hắn bị hợp tác xã chuyển cho người khác nuôi, do không chăm sóc và bị bắt làm nhiều nên nó ốm. Họ quyết định mổ. Ngày mọi người lôi con trâu đi mổ là ngày  buồn của Hắn. Hắn đi theo con trâu xiêu vẹo và đoàn người tay dao tay thớt đến cầu ao của làng nơi con vật hắn yêu quí sắp bị hành quyết. Khi sợi dây buộc vào chân con vật được những tay lực điền giật mạnh thì con vật ngã xuống. Họ sấn đến đâm con dao bầu vào cổ con vật, con vật giãy giụa, kêu gào như muốn Hắn đến cứu. Nhưng đâu có được, Hắn chỉ là một đứa trẻ con. Hắn chạy về nhà bác và khóc giãy đành đạch như thể mất cái gì to lớn lắm. Tối đó và mấy ngày sau, Hắn không ăn cơm vì xót thương cho con vật tội nghiệp.  
            Nhớ lại mỗi sáng, khi đi chăn trâu, nhìn lưng của các con trâu nhà hàng xóm mà Hắn phát khiếp. Bụng trâu thì hóp dính lại vì cả đêm không được ăn lại còn bị máu vón cục đọng lại trên lưng  vì hậu quả của những trận muỗi đốt đêm qua (vì lưng trâu là nơi con trâu không tự vệ được với muỗi).  Trâu nhà Hắn thì không, bụng vẫn còn no vì đêm qua ăn cỏ do hắn cắt và ăn thêm rơm. Trâu nhà Hắn không bị muỗi đốt vì tối nào trước khi đi ngủ, Hắn và bác của mình đã đốt một đống trấu to ở trong chuồng trâu, để xua hết muỗi ra rồi lấy lưới nilon che kín không con muỗi nào vào được để đốt trâu.
            Có một điều rất lạ, trâu hợp tác nhiều như thế, hầu hết là trâu cái. Ấy thế mà nhiều năm làng chẳng có thêm con nghé nào. Hay là trâu không biết đẻ? Không đâu, trâu thì đẻ nhiều nhưng khi con nghé vừa chui đầu khỏi bụng mẹ, nó đã bị chủ trâu cho ăn một hòn gạch to vào đầu. Nghé chết khi nó vừa sinh ra. Thế là chủ nuôi trâu báo với hợp tác xã là nghé bị chết ngạt khi vừa sinh ra nên đã mổ thịt rồi. 
            Còn nhà Hắn thì không thế, khi trâu chửa nhà Hắn chăm rất cẩn thận. Ngoài ăn cỏ và rơm no, nhiều khi còn được ăn cháo loãng. Khi chuẩn bị đến ngày trâu đẻ, bác Hắn không cho dắt trâu ra khỏi nhà vì sợ ra ngoài nó đẻ giữa đường thì không giữ được nghé. Khi trâu trở dạ, bác Hắn, mẹ Hắn phải canh từ chiều đến đêm. Khi con nghé được đẻ ra, nhà Hắn như ngày hội. Ai cũng vui mừng phấn khởi. Trâu mẹ được giữ nửa tháng ở nhà coi như một điều bí mật mà không ai trong nhà được tiết lộ. Chỉ đến khi dắt trâu đi chăn, dân làng mới ồ lên:"Trâu nhà bà P... đã đẻ con nghé to thế!".
            Có như vậy hợp tác xã mới có thêm trâu để cày bừa.
            Lạ thay, bất kể con trâu nào đã qua tay nhà Hắn nuôi đều nhớ chủ cũ, nhớ nhà cũ. Nếu vô tình chủ mới dắt nó đi chăn hay đi cày bừa, chỉ cần  trâu đi qua cổng nhà bác Hắn thì con trâu dứt thừng đi vào nhà bác Hắn, mặc cho chủ mới lôi kéo, thậm chí con trâu còn bị đánh đau.
            Vì sao Hắn quý trâu thế? Vì Hắn có lòng yêu thương loài vật, hơn nữa Hắn cũng nếm mùi "kéo cày thay trâu". Số là vụ mùa năm ấy, sau khi được chia lại con nghé (trâu mẹ của nó thì phân cho người khác nuôi). Trưa nắng tháng sáu, cánh đồng Đầu Âu không một sợi gió, không một bóng cây. Vì  không có trâu để bừa nên mẹ Hắn, bác Hắn và Hắn, cứ một người cầm bừa, hai người khoác 2 tấm vải có nối với sợi dây buộc vào bừa. Cứ thế, 2 người làm trâu, 1 người làm người bừa, thay đổi nhau kéo. Kéo đến khi đất ở ruộng nhũn ra có thể cấy được mới thôi.
            Với cuộc đời Hắn khi nhỏ thì cày bừa, cấy hái, làm cỏ, bỏ phân ,... - những việc của nhà nông- là chuyện bình thường, chuyện nhỏ.
            Hắn gian khổ thế nhưng Hắn có một nước da đến con gái nhìn cũng phát thèm. Da hắn trắng như trứng gà bóc. Mỗi khi chiều về, khi ra bờ giếng đầu làng để tắm, ai đi qua cũng phải trầm trồ:"Cái thằng kia trắng như trứng gà bóc". Suốt ngày có bao giờ Hắn mặc quần áo dài đâu, toàn áo cộc, quần cộc,... Ấy thế mà nắng mưa đối với Hắn là "miễn nhiễm". Hắn sở hữu một khuôn mặt ưa nhìn, đến đàn ông cũng phải thích chứ chưa nói tới đàn bà con gái. Cặp mắt của Hắn thì khỏi phải nói, cứ là "sắc như dao cau". Cái miệng với cặp môi hình trái tim luôn nở nụ cười duyên để lộ những chiếc răng khểnh. Vì thế nên con gái trong làng cứ chết mê chết mệt Hắn. Ai có con gái cũng muốn Hắn làm con rể sau này,... thế mới lạ. Đặc biệt, Hắn có cái tính khá kì dị: không bao giờ uống rượu, không bao giờ hút một điếu thuốc lá, cũng chẳng uống nước chè bao giờ, hắn cũng chẳng cờ bạc, không đánh đấm. Trong khi những bạn bè đồng trang lứa trong làng, tối đến đi chơi đến khuya, lắm khi ngủ cả ở nhà người nọ người kia, đêm không về nhà, nhưng Hắn thì không. Hắn đi chơi bất kể đâu, trước 21 giờ đêm là về nhà. Thuở bé đến năm 20 tuổi, Hắn chẳng ngủ lang chạ nhà ai lấy một đêm.
            Hắn có một giọng hát rất truyền cảm. Các bài dân ca như cải lương, vọng cổ, quan họ, chèo,... qua cái miệng xinh hình trái tim của Hắn thì  mọi người cứ say như điếu đổ.  Chẳng thế mà mỗi khi có đám cưới trong làng thì cô D..., cô X... phải bắt bằng được hắn đi hát, mặc dù khi đó hắn vẫn trẻ con. Nhất là khi người trong làng lấy chồng hoặc vợ ở làng bên thì Hắn phải là con át chủ bài của đội làng CX, để cho các bà, các cô hay các chị phải tự hào về giọng ca làng mình, hãnh diện với làng bên.

            Tuổi thơ của Hắn là làm việc, sống thu mình và tích cực học hành. Do mẹ Hắn là giáo viên Văn Sử nên có lẽ vì thế mà chỉ số EQ của Hắn rất cao. Hắn hay có lòng trắc ẩn, sống tình cảm, nhưng không vì thế mà Hắn uỷ mị đâu. Tính cương trực của Hắn bộc lộ từ bé, từ khi Hắn còn là học sinh trường phổ thông cơ sở (ngày xưa cả Tiểu học và Trung học cơ sở học chung 1 trường gọi là trường phổ thông cơ sở). Tính khẳng khái đó của hắn giúp Hắn rất nhiều nhưng cũng làm cho Hắn gặp nhiều phiền toái. Cá tính đó thể hiện rất rõ trong công việc và tình bạn.




Xin cho nhận xét, bình luận vào đường dẫn Không có nhận xét nào:  ở bên dưới của bài viết

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Vòng tròn không hoàn hảo.

Có một vòng tròn rất tự hào về thân hình của mình, tròn một cách hoàn hảo đến từng milimét. Thế nhưng...

... một sáng nọ thức dậy, nó bỗng thấy mình mất một góc lớn hình tam giác. Buồn bực, vòng tròn tìm mảnh vỡ hình tam giác bị mất. Vì không còn hoàn hảo nên nó lăn rất chậm chạp.



Nó bắt đầu ngợi khen những bông hoa dại đang tỏa sắc bên đường. Nó tâm tình cùng sâu bọ. Nó tận hưởng ánh sáng mặt trời ấm áp.

Vòng tròn tìm được nhiều mảnh vỡ nhưng chẳng mảnh nào vừa cả. Nó lại tiếp tục tìm kiếm. Một ngày kia nó tìm được một mảnh hoàn toàn vừa khít. Nó sướng đến run người.


Giờ đây nó lại hoàn hảo như xưa. Nó ghép mảnh vỡ kia vào rồi lăn đi. Nhưng, ơ kìa? Sao nó lăn nhanh đến thế, nhanh đến nỗi các bông hoa nhòe đi trong mắt nó, tiếng chuyện trò thì bạt đi trong gió. Vòng tròn nhận ra thế giới xung quanh nó trở nên khác hẳn khi nó lăn quá nhanh. Nó bèn dừng lại, đặt mảnh vỡ bên đường rồi chầm chậm lăn đi!...


Bài học cái vòng tròn tặng chúng ta là: Thật kỳ lạ khi người ta mất đi một cái gì đó lại thấy mình hoàn hảo. Một người có tất cả mọi thứ trên đời lại là kẻ nghèo túng.


Bạn sẽ không biết thế nào là ước mơ, là hy vọng, là nuôi dưỡng vì một ngày mai tốt đẹp hơn.


Bạn sẽ không bao giờ biết cảm giác sung sướng khi có ai đó yêu thương bạn và cho bạn cái bạn tha thiết mong muốn!


Cuộc sống không phải là cái bẫy để chờ chúng ta sa vào rồi kết tội. Cuộc sống có chút gì đó như mùa bóng, khi đội mạnh nhất cũng có thể bị thua và đội yếu nhất cũng có những giây phút huy hoàng.


Mục đích của chúng ta là thắng nhiều hơn bại.

Hãy biết chấp nhận sự bất toàn là một phần tất yếu của con người. Nếu ta đủ dũng cảm để yêu thương, đủ sức mạnh để để tha thứ, đủ hào phóng để chia sẻ hạnh phúc cho kẻ khác, đủ thông minh để hiểu rằng tình yêu thương luôn bao bọc chúng ta. Khi ấy ta đã đạt đến sự toàn mỹ mà nhiều người chỉ dám mơ ước

Ba mình vẫn thường dạy rằng : "Người giàu nhất là người cho đi nhiều nhất." 
Yêu thương tất cả mọi người....:)



Xin cho nhận xét, bình luận vào đường dẫn Không có nhận xét nào:  ở bên dưới của bài viết