Lớp trưởng Kiều Oanh dẫn chương trình
Lớp trưởng Kiều Oanh giới thiệu đại biểu
Thầy chủ nhiệm vũ Đức Cảnh phát biểu
Toàn văn Bài phát biểu phát biểu của Thầy chủ nhiệm Vũ Đức Cảnh
Kính thưa cô giáo Vũ Thị Bản - Hiệu trưởng nhà trường.
Kính thưa thầy giáo Phạm Văn Du- Hiệu phó nhà trường.
Kính thưa ông Hoàng Đình Dương, Chủ tịch Hội cha mẹ HS toàn trường,
Kính thưa bà Lê Thị Đương - Hội trưởng hội Cha mẹ HS lớp 5C.
Kính thưa các ông, các bà đại diện Hội Cha mẹ HS của lớp 5C.
Các học trò lớp 5C thân mến.
Hôm nay, trong bầu không khí vui tươi, phấn khởi của thầy và trò nhà trường vừa gặt hái một vụ mùa bội thu. Được sự tạo điều kiện về thời gian, vật chất,... của nhà trường và Hội cha mẹ HS của lớp, thầy trò lớp 5C chúng tôi tổ chức lễ tổng kết năm học 2012 - 2013, và liên hoan chia tay cuối khoá tiểu học với các em học sinh. Tôi rất xúc động được tiếp nhận những tình cảm của các vị lãnh đạo nhà trường và Hội cha mẹ học sinh dành cho thầy trò lớp 5C chúng tôi.
Thay mặt các bậc phụ huynh và các cháu HS lớp 5C, tôi chân thành cảm ơn những sự giúp đỡ quý báu đó. Kính chúc quý vị và các em có nhiều sức khoẻ và luôn gặp may mắn.
- Kính thưa các vị đại biểu.
- Các học trò lớp 5C yêu mến của tôi.
Năm học 2012- 2013 này là năm học thứ 20 trong quãng đường dạy học của tôi. Thời gian 20 năm so với lịch sử thì đó là một quãng thời gian rất ngắn, nhưng với cuộc đời một con người thì quãng thời gian ấy không ngắn chút nào. Với 20 lớp học sinh ra trường thì cũng là 20 lần chúng tôi bùi ngùi xúc động vì phải chia tay các HS thân yêu của mình. Những mùa hè đến lại đánh dấu sự trưởng thành của Học trò nhưng đó cũng là dấu hiệu ghi nhận thêm rằng, các thầy cô như chúng tôi ngày càng già đi. Khi nhìn thấy các trò lớn lên, tiến bộ hàng ngày thì tôi lại cảm nhận trên đầu mình tóc lại có thêm sợi bạc.
Trong 20 năm biết bao nhiêu học sinh, tôi chẳng nhớ nổi nữa nhưng năm học 2012- 2013 này lại để lại trong tôi biết bao nhiêu kỉ niệm, vui có, buồn có nhưng nói tóm lại: lớp 5C năm nay là lớp học sinh thật ấn tượng với tôi.
Tôi đã từng nhiều lần tâm sự với đồng nghiệp rằng: "Tôi nhìn học sinh lớp của tôi sao dễ thương đến thế, sao chúng đáng yêu như vậy?". Chẳng phải vì vật chất bạc tiền, chỉ đơn thuần là tôi có tình cảm với các trò và ngược lại các trò cũng có tình cảm với tôi.
Nhớ ngày đầu, khi tiếp nhận lớp, nhìn từ cách ăn mặc và nghe cách nói năng của các trò. Tôi thấy có nhiều điều lệch lạc cần phải uốn nắn, cần phải đưa các trò vào khuôn khổ. Những gì tôi dạy cho con mình hằng ngày ở nhà thì lại mang ra dạy cho chính các trò của mình trên lớp. Những điều sách vở không dạy thì học trò lớp tôi vẫn được học hằng ngày. Những điều đó là gì: đó là cách ăn mặc, nói năng, cách đi đứng, cách ngồi học, cách ăn uống, cách mời chào, cách lau bàn ghế, cách cầm cái chổi thế nào cho dễ quét và nhiều nữa tôi không kể hết. Có một điều tôi thường đề cao trước các trò đó là tính trung thực, hãy cứ nói thật với thầy thì mọi tội lỗi thầy sẽ bỏ qua. Trong cuộc sống, khi sự giả dối ngày càng lên ngôi thì thầy trò chúng ta rất cần những lời nói thật.
Có được như vậy cả thầy và trò lớp 5C đều tốn rất nhiều công sức. Có những trò cảm thấy bực bội hoặc phản đối bằng nét mặt khó chịu nhưng tôi vẫn kiên quyết làm, và mọi thứ đi vào quỹ đạo.
Tôi có tính hài hước nên dù có bực tức mấy chăng nữa vẫn có thể biến nó thành điều hài hước, nên nụ cười luôn nở trên môi các học trò của tôi. Không khí lớp luôn sôi nổi và dễ chịu. Nói vậy không có nghĩa là con đường bằng phẳng, trơn tru. Khi các trò hư, không nghe lời hay lười học bài, tôi cũng rất buồn và lại nói một câu hài hước rằng :"Thầy nhìn các con thầy lại thấy mình sắp có bảy niềm hy vọng". Trong tiếng Hán, thất vọng là mất hết hy vọng nhưng tôi lại dùng từ đồng âm tiếng Hán biến thất vọng đó thành bảy niềm hy vọng.
Dù đôi khi phải phê bình, trách phạt với những trò có truyền thống lười nhưng đâu phải trách phạt là thầy không quý các trò. Vì người đời có câu :"thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi"
Sự khen thưởng, động viên, phê bình, trách phạt đúng lúc, đúng chỗ, đúng mức tạo cho học trò tâm trạng là mình không bị đối xử bất công mà để trò hiểu rằng vì mình có lỗi nên mình bị trách, bị phạt. Để từ đó các trò tránh được điều sai, luôn tự mình phải làm điều đúng. Phạt các trò đâu phải vì thầy không yêu không quý các trò. Phạt các trò đâu chỉ có trò khổ mà thầy còn khổ gấp bội, thầy phải mất công sức gấp bội vì những lúc đó thầy lại tốn thêm rất nhiều thời gian và công sức để giám sát. Nhưng thương yêu đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách thì mới biến các trò thành người tốt được.
Nhiều học trò, cha mẹ đi làm từ sáng đến tối, suốt ngày quần quật để kiếm tiền, nên đã sao nhãng việc kèm cặp con cái học ở nhà. Trách nhiệm đó lại đổ lên vai thầy, thầy lại vất vả hơn nhiều với những học trò có hoàn cảnh như thế. Thầy chẳng phân biệt học trò con nhà giàu, hay học trò con nhà nghèo. Tất cả đều là học trò của thầy, trò nào thầy cũng thương, trò nào thầy cũng yêu. Có như vậy các trò con nhà giàu mới biết yêu thương các trò con nhà nghèo, có như vậy các trò gặp hoàn cảnh khó khăn mới thấy được sự yêu thương đùm bọc của thầy của bạn để mà cố gắng vươn lên.
Thầy luôn ưu tiên các bạn gái vì các bạn là phái đẹp, các bạn chân yếu tay mềm. Thầy trò mình đàn ông nên luôn phải làm các việc nặng nhọc một chút như khiêng và kê bàn ghế, khiêng nước uống cho cả lớp, ... Còn các bạn nữ thì làm các việc nhẹ hơn như quét lớp, lau bàn ghế, trang trí tủ lớp và lau bảng. Chính vì cách nghĩ vậy nên các trò luôn đoàn kết hoà đồng.
- Các vị đại biểu thân mến.
- Các học trò 5C thân yêu của tôi.
Quãng đường học tập của các trò còn dài lắm ở phía trước. Các trò còn nhiều buổi liên hoan tổng kết năm học nữa. Nhưng các trò sẽ không bao giờ có lại những giây phút như ngày hôm nay đâu, vì ở tiểu học có 1 thầy chủ nhiệm là người dạy chính, còn ở cấp 2, cấp 3 thầy chủ nhiệm chỉ là giáo viên bộ môn nên chỉ dạy các trò được một số tiết trong 1 tuần. Dù thầy cô chủ nhiệm có thật sự quan tâm đến lớp thì cũng không thể ngày nào cũng đến lớp để nhắc nhở, để giám sát các trò đâu. Vì các thầy cô chủ nhiệm đó còn phải hoàn thành công việc dạy bộ môn của mình.
Rồi các trò lại thấy nhớ những lời nhắc nhở của thầy tiểu học. Rồi các trò lại nhớ những lời phê bình của thầy tiểu học. Các trò lại ao ước trở về ngày xưa. Nhưng đã qua rồi ngày xưa ấy. Thời gian đi không bao giờ trở lại. Nếu cho tôi chọn lại nghề, tôi vẫn chọn lại cái nghề vinh quang nhưng không kém phần cay đắng này: đó là nghề dạy học.
Tuy thầy không dạy các trò nữa, nhưng thầy luôn theo dõi bước đường các trò sẽ bước tiếp. Thầy sẽ rất vui khi các trò học hành tiến bộ, khi các trò làm việc tốt. Thầy sẽ buồn nhiều vì các trò hư và không chịu học hành. Thầy vẫn bảo các trò rằng :"Đời người chỉ một gang tay. Ai hay ngủ ngày còn lại nửa gang". Hãy chăm chỉ và trung thực, đó là chiếc chìa khoá có thể mở được mọi cánh cửa cho các trò bước vào tương lai tươi đẹp.
Vì vậy thầy mong các trò, khi lên trường mới, không còn nhiều sự giám sát, giục giã của thầy cô chủ nhiệm như ở tiểu học nữa, các trò hãy nhớ những gì thầy bảo và thầy khuyên. Các trò phải luôn gắng sức mà học hành, các trò hãy luôn nghĩ rằng cha mẹ mình vô cùng vất vả để cho mình cơm ăn áo mặc, cho mình được đến trường. Khi mình lười biếng trong học tập thì công lao cha mẹ mình đang bị mình đem ra đổ xuống ao xuống biển.
Thầy mong rằng các trò hãy giữ mãi những hình ảnh đẹp về thầy, cô giáo của mình. Và ngược lại thầy cũng luôn coi những kỉ niệm về các học trò của mình là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của thầy.
Xa các trò thầy nhớ các trò lắm.
Hãy học tốt để khỏi phụ lòng cha mẹ và thầy giáo.
Chúc các trò luôn tiến bộ.
Cảm ơn các vị đại biểu.
Chào các học trò thân yêu của tôi.