"Ta về
ta tắm ao ta
Dẫu trong dẫu đục, ao nhà vẫn hơn".
Câu ca dao xưa, đưa tôi về kí ức của một thời tuổi thơ tuyệt đẹp.
Ao.... Cái tên ao của ngày xưa, ngày nay nghe có vẻ lạ. Tại sao vậy? Xót xa
thay! Ao bây giờ đâu còn là ao nữa. Nên đặt cho nó cái tên gì bây giờ?
Thật khốn khổ cho cái đời ao. Trông chúng như một bể nước thải kinh khủng mà ai
đi qua cũng phải nín thở.
Nhớ lại ngày xưa. Mỗi trưa hè trốn mẹ, mấy thằng trẻ con cùng xóm chúng tôi lại
ra cái ao Cổng Chầu của làng để tắm. Ở đó, đầm mình trong làn nước mát, chúng
tôi thoả thích được thưởng thức mùi hoa sen thơm ngát. Lặn ngụp chán chê, thằng
nào thằng ấy lại thi nhau lấy ngó sen. Trong nước mát, ngửi hương sen, ăn ngó
sen,.. còn gì thú vị hơn. Lắm hôm chơi đi ẩn, chúng tôi lặn vào trong bụi
cây xoà ra ao. Khi lên hai tay hai con ba ba to như cái mũ cối.
Tắm ao, lỡ có thằng bơi yếu, chuột rút, thụt chân xuống thùng đấu, uống
no bụng nước, sau chúng tôi mới phát hiện ra và kéo lên. Nhưng chẳng sao. Bụng
đầy nước ao và ngó sen mà về nhà chẳng đau bụng đau bão gì. Nước ao trong xanh
và sạch lắm. Có thể nhìn rõ từng cọng rong rêu, đàn cá dưới làn nước.
Nhiều nhà gần ao chỉ cần xây cái bể lọc đơn giản bằng cát sỏi, múc nước ao lên
và lọc qua cũng nấu nướng để ăn uống được mà chẳng ai kêu đau bụng, dịch tả,...
Cái ao nào của làng cũng rộng. Bọn chúng tôi đã tắm ở hết cả các ao
của làng. Những cái tên ao như: Cửa Đình, Cổng Chung, Cổng Ải, Ao
Chùa, Cổng Chầu, Ông Bếnh, Thứ Giáp, Bà Lân,... đã mãi đi vào
kí ức chúng tôi. Các ao rất rộng, chúng tôi những thằng bơi khoẻ nhất nhì
trong làng nhưng chẳng có thằng nào bơi qua được chỗ rộng nhất của ao.
Rộng nhất là 3 cái ao là ao Cổng Chầu (hay còn gọi là ao Dài), ao Cổng Chung và
ao Cổng Ải. Nơi rộng nhất của ao Dài là khoảng 1/2 km (500 mét). Ngoài
những ao to đó ra, làng tôi còn hàng chục ao lớn nhỏ khác. Nói là nhỏ
nhưng những cái ao đó, cái nào hẹp nhất cũng khoảng 1 mẫu.
Làng tôi nghèo lắm, đường làng thời ấy đâu có lát gạch hay trải xi-măng như bây
giờ, toàn là đường đất. Hệ thống cống rãnh cũng đâu có hiện đại như bây
giờ. Nhưng dù trận mưa có to đến đâu thì cứ mưa xong là đường làng ngõ xóm sạch
bong và khô ráo. Vì tất cả nước mưa đều được đổ xuống các hồ chứa tự nhiên
là những cái ao làng. Mùa hè oi ả, làng tôi chưa có điện. Chỉ quạt nan phe
phẩy, vậy mà chẳng ai kêu nóng. Ao làng chính là những chiếc điều hoà nhiệt độ
miễn phí cho cả làng mà không máy móc công nghệ hiện đại nào có thể
làm thay được nó.
Những hôm chủ nhật nghỉ học hay các trưa hè, tôi và anh trai con nhà bác tôi, 2
anh em, 2 cần câu và một chiếc giỏ to. Đến cầu ao nhà ông Vàng hoặc nhà ông Ngữ
để đặt câu. Chỉ một buổi anh em tôi đã câu được đầy một giỏ to các loại cá rô,
trê, trắm, chép,... thậm chí câu được cả những con ba ba nặng vài cân, to bằng
cái vung nồi. Chẳng ai cấm đoán, ao của làng mà, câu bao nhiêu thì câu.
Có lẽ mãi mãi, cái ao làng chỉ còn tồn tại trong những câu
chuyện của những người ở độ tuổi U40 trở lên mỗi khi kể cho con cháu
nghe. Lợi ích của ao làng nhiều lắm. Ấy thế mà chúng bị giết hại không thương
tiếc. Xin phép cụ Tú Xương để sửa câu thơ của cụ thành:
"Ao
kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai."
Làng tôi bây giờ làm gì còn cái ao nào đúng nghĩa của cái ao. Ngày xưa cái
ao nào cũng rộng, cũng sạch. Các ao trong làng đều ăn thông với nhau. Nay
thì chúng thành những cái ao tù, hẹp, nước đen ngòm, đặc quánh, mùi kinh khủng
và nói ngoa một tí :"Ta có thể cắm được que hương xuống mặt nước
ao mà que hương không đổ"
Hậu quả là mỗi khi trời nắng, dân làng nóng kinh khủng, kể cả có điện. Tuy rất
nóng nhưng ai còn muốn tắm ao nữa. Bây giờ có ai xuống tắm ao
mà người đó không bị coi là kẻ điên, là loại hâm hấp, chập mạch thì đó mới là
chuyện lạ. Chẳng gia đình nào còn dám cho con ra ao làng để tắm nữa. Nếu cho
chúng ra tắm thì về nhà bố mẹ chúng lại tốn thêm tiền thuốc chữa ghẻ lở, chữa
đau mắt. Từ lứa tuổi 35- 40 của chúng tôi trở lên, cả con trai lẫn con gái
trong làng ai cũng biết bơi, có thể nói không ngoa là 100% biết bơi. Ngày nay
bọn trẻ không biết bơi nguyên nhân do đâu? Bao nhiêu cái chết thương tâm do
không biết bơi cũng từ nguyên nhân này mà ra. Vì hồ bơi tự nhiên của chúng
là những cái ao đã không còn. Nếu còn thì cũng là những ao nước đen ngòm, mùi
kinh khủng.
Ôi! Còn đâu nữa cái ngày xưa ấy. Câu ca dao rất hay, tưởng như nó được tồn tại
mãi như một triết lí nhân văn với người Việt ta.
Nhưng nay, câu ca dao này đang có nguy cơ bị chết yểu. Xót xa thay....
Ta bây giờ còn muốn
tắm ao ta ?!?!?
Xin cho nhận xét, bình luận vào đường dẫn Không
có nhận xét nào: ở bên dưới của bài viết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét