Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Chuyện về hai bông lúa

(Chuyển từ website cũ vuduccanhgv.com của tôi về đây)


                                                                               (Tác giả Vũ Đức Cảnh)
          Thỉnh thoảng đi dạy học, tôi thường đi tắt qua cánh đồng để đến trường. Trên cánh đồng, tôi được ngửi hương lúa, ngắm thảm lúa đang ngả màu vàng xuộm. Thích nhất là tôi lại được nghe cuộc trò chuyện thì thầm nhưng cũng không kém phần thú vị của hai bông lúa.
          Tạm gọi chúng theo hình dáng của chúng: BÔNG LÚA CÚI ĐẦU và BÔNG LÚA ƯỠN NGỰC.
          - Này anh bạn. Anh có nhìn thấy gì xung quanh không?  Bông Lúa Ưỡn Ngực hỏi.
          - Không, hình dáng của tôi thế này thì làm sao mà nhìn được cái gì.  Bông Lúa Cúi Đầu nói.
          - Anh thấy không, tôi nhìn thấy bầu trời xanh, thấy sóng lúa nhấp nhô, thấy đàn cò đang mải mê kiếm ăn, .... và được hưởng làn gió mát mơn man cơ thể tôi. Bông Lúa Ưỡn Ngực nói.

          - Anh sướng thế còn gì, còn tôi phải nuôi nấng đàn con đông đúc của tôi. Vì vất vả làm nuôi con mà lưng tôi còng, hơn nữa làm tối làm ngày thì còn đâu mà ngắm mới nghía cái gì nữa. Bông Lúa Cúi Đầu nói.
          - Này anh bạn, sao lúc nào anh cũng phải khổ thế nhỉ? Cứ như tôi có thảnh thơi không. Bông Lúa Ưỡn Ngực hỏi.
          - Không được anh ạ! Tôi phải nuôi đàn con, để chúng lớn giúp ích cho đời. Vì thế lưng còng hay hình dạng xấu xí  hoặc không được ăn chơi tôi cũng chấp nhận. Tôi phải cống hiến cho đời những đứa con của mình. Bông Lúa Cúi Đầu nói.
          - Ối dào! Cống với chả hiến. Cứ biết cái đời mình sướng cái đã, hơi đâu mà lo cho người khác. Bông Lúa Ưỡn Ngực  nói.

          - Anh nghĩ sai rồi. Nuôi đàn con để dâng gạo cho đời. Và cũng chính nuôi đàn con thì mình mới có các thế hệ cháu chắt nữa chứ. Tôi nghĩ việc làm của tôi chỉ có đời mới phán xét được thôi. Còn anh, anh chẳng phải nuôi đứa con nào nên anh cứ chổng ngược giữa trời, anh kiêu hãnh, anh biết mọi thứ nhưng anh chẳng giúp được gì cho đời.
          - ?!?
 Lời bàn: Bông lúa uốn mình bao giờ cũng là bông lúa nhiều hạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét