Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Tình bạn

                                                          (Tác giả Vũ Đức Cảnh- đăng lại)
Bạn có tiền, tôi không có, chẳng sao,
Vì đồng cảm, chúng ta nên bầu bạn,
Biết giúp nhau khi khó khăn, hoạn nạn,
Chẳng vui gì khi thấy bạn buồn đau.

Bạn có quyền, tôi không có, chẳng sao,
Do công việc giúp ta thành đồng chí,
Cùng một giàn, thương nhau như bầu bí,
Chung ngọt bùi, vẫn gọi bạn- xưng tôi.

Sống trên đời, hai ta vẫn thế thôi,
Tôi không hèn, dù tôi nghèo hơn bạn,
Bạn quyền cao, tiền nhiều nhưng thanh đạm,
Mình song song, tiệm cận ở NƠI TÂM.

Anh em ruột, mẹ cha ta sắp đặt,
Nhưng bạn bè, lựa chọn bởi riêng ta,
Hãy coi nhau như tâm giao, tri kỷ,
Tôn trọng, thương yêu tình bạn sẽ bền lâu.

                       

                           (Làm vào sáng sớm 12 tháng 5 năm 2016 - Vũ Đức Cảnh)

Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Có lẽ nào?

Lời tựa: Đến nhà anh bạn chơi, ăn cơm xong, nằm nghỉ trưa bên anh bạn. Nói chuyện được gần chục phút thì anh ấy ngáy khò khò. Không thể ngủ được, bèn lấy bút ra viết. Trước đó, gặp cô bạn cũ, hỏi gia cảnh, tôi ngạc nhiên về mối tình đẹp như tiểu thuyết của cô nay đã đi vào dĩ vãng và cô rất đau khổ. Lấy cảm hứng đó, tôi viết bài này. Anh bạn tỉnh ngủ và là người đầu tiên được đọc.                              (Tác giả Vũ Đức Cảnh)

Có lẽ nào lại như thế được chăng?
Ôi cuộc đời luôn trắng-đen, đen-trắng,
Như bản nhạc chợt im khi khoảng lặng,
Chuyện chúng mình chỉ có thế thôi chăng?

Nhớ khi nào anh thề thốt dưới trăng,
Tôi chợt hiểu trăng đầy rồi lại khuyết,
Tình của anh bây giờ như trăng khuyết,
Có bao giờ đầy lại được không anh?

Ta gặp nhau khi anh chưa thành danh,
Hai đứa mình đã "đồng cam cộng khổ", (1)
Đến bây giờ, anh lên xe xuống ngựa,
Có nhớ hồi "bĩ cực" thuở ngày xưa? (2)

Anh bây giờ có kẻ đón người đưa,
Lời anh nói có "tiền hô-hậu ủng",
Vây quanh anh bao bạn bè, "tâm phúc",
Có lúc nào anh chợt nghĩ đến tôi?

Đến với anh, tôi không nghĩ xa xôi,
Tôi đâu biết bây giờ "anh lại thế",
Đối với anh, trọn đời tôi tử tế,
Tôi những mong, anh như thế với tôi.

(Vũ Đức Cảnh, làm tại thôn Kinh Dương, xã Thái Dương, Bình Giang, Hải Dương, 14 giờ 30 ngày 29-5-2016)

Chú giải: 
(1) Trong tiếng Hán: 
- Cam là vị ngọt
- Khổ   là vị đắng
(2) Bĩ cực: khổ cực tột cùng.
- Bĩ   là khổ cực
- Cực   là tột cùng
Lấy ý tứ trong câu thơ của Nguyễn Trãi:"Càn khôn bĩ, cực rồi lại thái. Nhật nguyệt hối rồi lại minh". Ý nói sự xoay vần của tự nhiên. Cái gì đạt đến cực đại rồi lại đi xuống, đạt cực tiểu rồi đi lên như biểu đồ hình sin.


Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Cho và nhận

                                                      (Tác giả Vũ Đức Cảnh)

Ta cho đi vật chất,
Để nhận lại tinh thần,
Cái cho đi thì ít,
Cái nhận lại thì nhiều.

Người, mất-còn, còn-mất,
Đời, lúc thịnh, lúc suy,
Ai ơi chớ so bì,
Lẽ thiệt hơn, hơn thiệt.

Mất bao nhiêu là thiệt?
Được ngần nào là hơn?
Có dịp cứ làm ơn,
Đừng vội mong báo đáp.

Giúp ai nhiều đến mấy,
Chớ có mà kể công,
Ơn ai nhẹ như bông,
Lòng mình luôn mang nặng.

Đời đắng cay, ngọt mặn,
Người lúc nhục, lúc vinh,
Những kẻ luôn vì mình,
Chính là người cô độc.


 - Cây nào chẳng có Lộc!
- Người nào chẳng có Nhân!
Trong ta có hai phần,
Bản năng và lí trí.

Bản năng hiện phần Con,
Phần Người là tình-lí,
Con người có suy nghĩ,
Cần biết rõ đúng sai.


Trời sinh người hai tai,
Để ta nghe hai lượt,
Nhưng miệng thì có một,
Để nói ít nghe nhiều.

Chớ có nên lắm điều,
Đừng coi mình là nhất,
Đời luôn có quy luật,
Mạnh, có kẻ mạnh hơn.


Lấy oán mà trả ơn,
Hận thù cao lên mãi,
Dùng ơn mà báo oán,
Hận thù dứt được ngay.


Cần học những điều hay,
Tránh xa bao điều dở,
Đừng điều ngoa, bợ đỡ,
Cuộc sống sẽ bình an.

       
(Đã đăng ở website cũ ngày 18-02-2014)

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Em đi

                        (Tác giả Vũ Đức Cảnh)

                                Tặng cô Lê Hảo khi về công tác cơ quan mới.

Em về trường mới, tôi trường cũ, (*)
Buổi gặp chia tay chớm đầu thu,
Cõi lòng trống vắng người ở lại,
Thân dẫu cách xa, nghĩa đậm đà.

Cũ mới hai nơi đâu có xa,
Hai trường vẫn huyện Bình Giang ta,
Em về nơi ấy, "đi cho tiện"
Một bước đến nơi đỡ lấm chân.

Nơi ấy chị em chẳng mặc quần,
Mọi người mặc váy hở cả chân,
Trông như người mẫu lên sàn diễn,
Để lũ học sinh ngắm dàn tiên.

Chẳng còn đâu nữa buổi hàn huyên,
Em cứ ra đi chớ lo phiền,
Vắng em, chợ chẳng đông như trước,
Trẻ nó theo em vãn cả trường.

- Ra đi em có thấy vấn vương?
- Em nhớ thương ai nhất cả trường?
Anh nhìn qua mắt em, anh biết,
Em bảo: - Em thương tất cả trường!

Chú thích: 
(*) Trường mới của em nhưng là trường cũ của tôi.

Chuyện về hai bông lúa

                                                                              (Tác giả Vũ Đức Cảnh)
Đăng lại từ web cũ của tôi vuduccanhgv.com

           Thỉnh thoảng đi dạy học, tôi thường đi tắt qua cánh đồng để đến trường. Trên cánh đồng, tôi được ngửi hương lúa, ngắm thảm lúa đang ngả màu vàng xuộm. Thích nhất là tôi lại được nghe cuộc trò chuyện thì thầm nhưng cũng không kém phần thú vị của hai bông lúa.

          Tạm gọi chúng theo hình dáng của chúng: BÔNG LÚA CÚI ĐẦU và BÔNG LÚA ƯỠN NGỰC.
          - Này anh bạn. Anh có nhìn thấy gì xung quanh không?  Bông Lúa Ưỡn Ngực hỏi.
          - Không, hình dáng của tôi thế này thì làm sao mà nhìn được cái gì.  Bông Lúa Cúi Đầu nói.
          - Anh thấy không, tôi nhìn thấy bầu trời xanh, thấy sóng lúa nhấp nhô, thấy đàn cò đang mải mê kiếm ăn, .... và được hưởng làn gió mát mơn man cơ thể tôi. Bông Lúa Ưỡn Ngực nói.
          - Anh sướng thế còn gì, còn tôi phải nuôi nấng đàn con đông đúc của tôi. Vì vất vả làm nuôi con mà lưng tôi còng, hơn nữa làm tối làm ngày thì còn đâu mà ngắm mới nghía cái gì nữa. Bông Lúa Cúi Đầu nói.
          - Này anh bạn, sao lúc nào anh cũng phải khổ thế nhỉ? Cứ như tôi có thảnh thơi không. Bông Lúa Ưỡn Ngực hỏi.
          - Không được anh ạ! Tôi phải nuôi đàn con, để chúng lớn giúp ích cho đời. Vì thế lưng còng hay hình dạng xấu xí  hoặc không được ăn chơi tôi cũng chấp nhận. Tôi phải cống hiến cho đời những đứa con của mình. Bông Lúa Cúi Đầu nói.
          - Ối dào! Cống với chả hiến. Cứ biết cái đời mình sướng cái đã, hơi đâu mà lo cho người khác. Bông Lúa Ưỡn Ngực  nói.
          - Anh nghĩ sai rồi. Nuôi đàn con để dâng gạo cho đời. Và cũng chính nuôi đàn con thì mình mới có các thế hệ cháu chắt nữa chứ. Tôi nghĩ việc làm của tôi chỉ có đời mới phán xét được thôi. Còn anh, anh chẳng phải nuôi đứa con nào nên anh cứ chổng ngược giữa trời, anh kiêu hãnh, anh biết mọi thứ nhưng anh chẳng giúp được gì cho đời.
          - ?!?
 Lời bàn: Bông lúa uốn mình bao giờ cũng là bông lúa nhiều hạt.

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Cái khổ của sự hoàn hảo (hay Chuyện về hai viên bi)

                          (Đăng lại từ website vuduccanhgv.com cũ của tôi)                                         

                                                                                    ( Tác giả Vũ Đức Cảnh)

                                                      Ở đời đừng mong mình hoàn hảo quá.

          Một ông thợ chuyên điêu khắc đá. Một đêm, trong giấc ngủ ông mơ thấy có hai linh hồn đến cầu khẩn ông. Ông bèn bảo với họ:
          - Các ngươi là ai, muốn ta giúp điều gì? Ông thợ đá nói.
          - Chúng tôi là những linh hồn. Vì vẫn còn những mắc mớ ở dương gian nên Trời bắt chúng tôi phải ẩn mình vào kiếp đá. Một linh hồn nói.
          - Ta chỉ là một thợ điêu khắc đá, sao có thể giúp được các ngươi! Ông thợ đá nói.
          - Thưa ông, vì ngày xưa chúng tôi luôn mong muốn mình hoàn hảo nên chúng tôi mong ông cho chúng tôi trở thành những hòn bi bằng đá. Một linh hồn nói.
          - Ta hiểu rồi. Các ngươi có điều gì trình bày nữa không? Ông thợ đá nói.
          - Thưa ông, khi xưa tôi luôn muốn mình lúc nào cũng mười phân vẹn mười. Nhưng loài người lại có câu "nhân vô thập toàn" nên tôi không thể hoàn hảo được. Vì vậy nay được làm kiếp bi, tôi mong ông cho tôi thành viên bi hoàn hảo. Nghĩa là viên bi thật tròn, không tỳ vết. Một linh hồn nói.
          - Còn tôi! Tôi cũng mong muốn hoàn hảo nhưng hoàn hảo có mức độ. Trong tự nhiên không có cái gì thật hoàn hảo nên tôi chỉ cần mình gần hoàn hảo là tốt rồi. Xin ông cho tôi mang hình một viên bi méo. Một linh hồn khác nói.
          - Ta hiểu cả rồi. Hai ngươi hãy về quê hương các ngươi, thăm người thân lần nữa. Trong khi đó, ta sẽ tạc hai viên bi theo ý các ngươi. Khi quay lại, các ngươi hãy nhập vào bộ dạng của mình. Ông thợ đá nói.
          Hai linh hồn cảm ơn ông thợ đá rối rít và bay đi.
          Ông thợ đá chọn loại đá đẹp để tạc hai hòn bi. Tạc xong, ông đặt cho hai viên bi hai cái tên đúng theo hình dáng và tâm tính của nó: BI TRÒN   và   BI MÉO.
          Khi trở lại, hai linh hồn nhập vào hai viên bi. Chúng từ giã ông thợ đá và bắt đầu cuộc hành trình của kiếp bi.

        
          - Sao anh lâu thế! Người vừa xấu lại vừa chậm. Bi Tròn nói.
          - Tôi méo thế này làm sao mà lăn nhanh như anh được. Thôi anh chịu khó đợi tôi vậy. Bi Méo nói.

          - Sao khi trước không bảo ông thợ tạc cho thật tròn như tôi đây? Bi Tròn nói.
          - Không được, anh ạ! Tôi đâu có được hoàn hảo như anh mà tròn trịa được. Bi Méo nói.
          - Tôi đây lúc nào cũng tròn trịa, lúc nào cũng mười phân vẹn mười. Tôi làm gì có khiếm khuyết. Bi Tròn nói.
          - Tôi thì như vạn vật, có rất nhiều khiếm khuyết. Tôi biết nhận thấy khiếm khuyết của mình và lợi dụng những khiếm khuyết đó nhiều khi lại tốt đấy anh ạ. Bi Méo nói.
          - Tôi không tin. Đã méo, đã xấu, đã chậm, ... có gì mà phát huy. Bi Tròn nói.

          Cả hai hòn bi, sau một ngày ngao du thiên hạ. Đêm về, hai hòn bi tâm sự với nhau những điều mình thấy ở dọc đường.
          - Anh có nhìn thấy gì ở dọc đường không? Bi Méo nói.
          - Tôi chẳng thấy gì cả, vì thân tôi tròn nên tôi cứ chạy vèo vèo, có dừng được lại đâu mà nhìn, mà nghe được cái gì. Bi Tròn nói.
          - Tôi thấy xung quanh thật là đẹp: nào là cây cối xanh tươi, hoa thơm trái ngọt, bầu trời cao và xanh trong, tôi thấy được những âm thanh của chim chóc, thấy được cảnh quyến rũ của bầy công đang nhảy múa,... Bi Méo nói.
          - Có thật vậy không, anh kể nữa đi. Bi Tròn háo hức nói.
          - Trên đường tôi thoải mái ngắm. Nhìn những giọt sương đêm còn đậu trên những cánh hoa, những tia nắng buổi sớm chiếu vào trông nó như pha lê. Lại nhìn được cảnh âu yếm của gia đình nhà vượn, thấy cảnh đôi chim uyên ương đang mớm mồi cho nhau, ... hình ảnh và âm thanh thật kì diệu anh ạ. Bi Méo nói.
          - Tôi đau quá anh ạ. Bi Tròn nói.
          - Có ai đánh anh hay sao? Bi Méo nói.
          - Làm gì có ai đánh tôi. Tự tôi lại làm hại tôi. Vì tôi hoàn hảo quá, tôi tròn quá nên chỗ đứng hơi nghiêng, hơi dốc là đã bị lăn. Mà khi lăn thì cứ vèo vèo nên bị va đập vào mọi thứ. Nhiều khi vấp phải đá tung lên, rơi xuống, đau đến chết đi được. Nhiều hôm lao nhanh, kẹt vào hốc đá. Thậm chí nhiều hôm lao vèo vèo vào luôn bãi cứt trâu thì mới dừng lại được. Thật khổ anh ạ. Bi Tròn nói.
          - Tôi thì không thế. Vì tôi méo nên tôi lăn từ từ. Cứ lăn đến chỗ méo là tôi dừng lại. Khi đó tôi có thể ngắm được mọi vật xung quanh. Tôi lăn chậm nên không bị va đập mạnh, có khi chính những chỗ méo lại như bánh lái giúp tôi tránh khỏi những chỗ nguy hiểm. Tôi bằng lòng với hình dạng méo mó của mình. Bi Méo nói.
          - Tôi ân hận quá. Tại tôi lúc nào cũng cho mình là hoàn hảo ấy mà. Cái tính tự kiêu, - lúc nào cũng cho mình là mười phân vẹn mười - nó đã hại tôi. Tôi chẳng thấy gì, nghe được gì xung quanh. Tôi có tai như điếc, có mắt như mù. Cái sự tròn trịa nó kéo tôi đi quá xa, quá nhanh nên tôi không thấy được những điều gì diễn ra xung quanh.Bi Tròn nói.
          - Còn một điều nữa tôi muốn nói với anh. Vì anh tròn quá nên chỉ khi nào anh lăn xuống vực thì anh mới không lăn nữa. Vì không chỗ nào sâu hơn vực. Khi anh nằm dưới đáy vực thì khi đó mới không lăn, không chạy. Khi đã nằm đáy vực thì có sống cũng như chết, vì vậy tròn trịa có ích chi. Cứ như tôi. Cái méo của tôi nó cứu được tôi. Tôi cứ lăn đến chỗ méo là tôi dừng lại. Tôi không bao giờ lăn xuống vực như anh.  Bi Méo nói.
          - Có cách nào làm cho tôi méo như anh không? Bây giờ tôi ước gì được làm bi méo như anh.  Bi Tròn nói.
          - Chỉ còn một cách đến ông thợ đá - người đã sinh ra chúng ta.Bi Méo nói.
          - Hay quá, thế mà tôi không nghĩ ra. Hai ta đến đó ngay nhé.Bi Tròn nói.
        
          - Hai người đến gặp ta có việc chi? Ông thợ đá nói.
          - Dạ thưa! Xin ông hãy giúp anh Bi Tròn. Bi Méo nói.
          - Ngươi nói sao? Giúp cho Bi Tròn!  Ông thợ đá nói.
          - Dạ thưa ông! Ý con muốn nói là ông giúp sửa hình dáng cho Bi Tròn. Bi Méo nói.
          - Người nói gì kì vậy! Bi Tròn có hình dáng hoàn hảo, không tì vết, sửa làm sao được. Ông thợ đá nói.
          - Ý con muốn nói, ông hãy sửa cho hình dáng của Bi Tròn thành bi méo như con. Bi Méo nói.
          - Ngươi nói đi! Ông thợ đá nhìn Bi Tròn, gằn giọng nói.
          - Dạ thưa ông. Con muốn ông sửa cho hình dạng con trở thành một viên bi méo ạ. Bi Tròn nói.
          - Sao khi xưa ngươi mong ước ta làm cho ngươi hình dáng hoàn hảo. Sao bây giờ lại muốn hình dạng méo mó đi? Ông thợ đá nói.
          - Thưa ông. Vì con quá hoàn hảo nên con hay bị lăn. Con quá hoàn hảo nên cuộc đời con bị bầm dập. Vì quá hoàn hảo nên con chẳng trông thấy gì, nghe thấy gì. Con bao lần suýt mất mạng vì sự quá hoàn hảo. Con không muốn nằm sâu dưới đáy vực, ông cứu con.Bi Tròn nói.
          - Không được rồi. Hồn người đã nhập vào hòn bi hoàn hảo nên chỉ có đập vỡ và vứt đi thôi. Không sửa được. Mang danh hoàn hảo sướng thế còn gì. Ông thợ đá nói.
          - Con không muốn thế. Con chỉ cần con méo đi thôi. Bi Tròn nói.
          - Ta nói cho ngươi biết. Cái quan trọng là cái tâm hồn. Bi Méo tuy méo về hình dạng nhưng ẩn trong nó là một tâm hồn tròn trịa, vì vậy nó chấp nhận gửi tâm hồn vào hình dạng méo mó để nó được nhiều thứ. Còn ngươi- Bi Tròn, tâm hồn ngươi thực sự méo mó nhưng ngươi thích cái bộ dạng hoàn hảo. Vì thế ta cho cái bộ dạng ngươi hoàn hảo để chứa cái tâm hồn rách nát của ngươi. Ta nói lại. Tâm hồn ngươi là tâm hồn méo mó. Tâm hồn méo mó thì không sửa được. Người chấp nhận sống với bộ dạng hoàn hảo và tâm hồn méo mó đến hết đời nhé. Ông thợ đá nói.
          - Ôi! Khốn khổ cho thân ta! Tại ta thích hoàn hảo bề ngoài! Bi Tròn nói.
(Đã đăng, 20 giờ ngày 26 tháng 9 năm 2014)

Chuyện Lừa và Ngựa

                                                                                         (Tác giả Vũ Đức Cảnh)

          Niềm vui đem chia sẻ với mọi người thì vui gấp lên nhiều lần. Nỗi buồn (gánh nặng) chia sẻ với mọi người thì nó sẽ giảm đi nhiều lần.
         Chuyện kể rằng, Ngựa và Lừa cùng là vật nuôi trong gia đình một ông chủ. Nói cách khác, chúng phục vụ cùng một chủ. Vì thân phận sinh ra khác nhau nên chúng cũng được giao những việc khác nhau phù hợp với sở trường của chúng. Ngựa thì nhanh nhẹn nên được người chủ cưỡi mỗi khi đi công việc. Lừa thì không nhanh nhẹn bằng Ngựa nhưng bù lại nó có phù hợp với việc mang vác nặng. Vì vậy nó hay chuyên chở các đồ đạc mỗi khi ông chủ đi công việc.

           Một hôm, ông chủ đi mua hàng ngoài chợ. Ông chủ mua nhiều đồ quá, chất hết lên lưng Lừa. Ngựa thì chỉ chở mình ông chủ nhẹ tênh trên lưng nên nó không bị mệt. Lừa đi những bước nặng nề, cầu khẩn Ngựa hãy san sẻ bớt gánh nặng giúp mình. Ngựa dửng dưng bảo rằng, việc ai người ấy làm. Lừa vì làm việc nhiều vất vả, cộng với chuyến hàng hôm nay đã vắt kiệt sức của nó nên nó ngã lăn ra chết. Thế là ông chủ bèn chất hết đồ đạc lên lưng Ngựa. Từ nay Ngựa phải thay Lừa gánh vác cả ông chủ và hàng hoá, đồ đạc. Sau khi Lừa chết, Ngựa hối hận, nếu mình biết san sẻ công việc với Lừa thì đâu đến nỗi khổ như thế này.


         

          Nói câu chuyện Lừa - Ngựa ra để răn đời đó thôi.

          Nhưng thời nay những điều ngược với câu chuyện trên lại có nhiều. Một số người thích oai, thích to, thích nổi bật, ...., coi mình lúc nào cũng phải nhất, không bao giờ chịu đứng thứ nhì. Mọi việc dù to, dù nhỏ ôm hết, quyết hết,... bởi họ sợ chia việc cho người khác lại sợ phải chia sẻ bổng lộc. Phân việc cho người khác phụ trách sợ bị lộ chuyện về tiền nong. Vì vậy, dù các cụ có câu:"Ôm rơm rặm bụng" nhưng họ chấp nhận ôm cả gai chứ chẳng ôm rơm.
          Những người ấy không chịu san gánh nặng trên vai mình cho người khác gánh hộ, chỉ vì mỗi chữ "oai", chỉ vì coi mình là nhất. Nếu san cho người khác thì sợ họ làm hỏng việc.
          Một người không thể làm một lúc được nhiều việc. Cho nên công việc ì ạch, bê trễ, quản lí không nổi,... trong khi đó những người xung quanh thì chơi dài. Khi xảy ra chuyện chẳng có ai chịu trách nhiệm hộ cả, vì một mình mình ôm thì mình mình chịu cả. Không đổ tại ai được.
          Con Ngựa nó không chịu mang vác cho con Lừa, đến khi con Lừa chết thì Ngựa phải è cổ ra mà gánh nặng cả phần mình lẫn phần Lừa.
          Xét thấy những người như thế là những người dại (không dám nói họ Ngu). Các cụ có câu:"Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân" và  "Tham thì thâm" - Điều đó quả không sai.

          Trong tự nhiên có những điều nó cứ trái ngược là vậy.

Cải tiến cải lùi

(Chuyển từ website cũ vuduccanhgv.com của tôi về đây)


                                                                     (Tác giả Vũ Đức Cảnh)
Bao giờ cho đến ngày xưa,
Tiền lương dù ít nhưng thừa niềm vui,
Ngày nay, nghĩ thật bùi ngùi,
Cải tiến cải lùi, loạn xạ cả lên.

Có hình dạng, chẳng có tên,
Nhà chẳng có nền, móng vững được chăng?
Đánh giá mang tính cào bằng,
Giỏi, dốt, nhì nhằng,...một giỏ xếp chung.

Bề trên thì cứ ung dung,
Kẻ dưới lùng nhùng, chẳng thấy đường ra,
Thông tư - ta cứ ban ra,
Tắc tư - là việc của nhà các ngươi.

Mưu sự là việc của người, (1)
Thành bại là việc của giời - không sai,
Thành công: bọn ta - thiên tài,
Thất bại: do phải thiên tai, mệnh giời, (2)

Các ngươi chớ có lắm lời,
Thông - tắc ra đời, buộc phải thực thi,
Hãy quên ngày xưa ấy đi,
Cúc cung tận tuỵ - đến kỳ nâng lương.

Chú thích: (1) Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.
                 (2) Mất mùa thì tại thiên tai, Được mùa thì tại nhân tài mà ra.

Chuyện về hai bông lúa

(Chuyển từ website cũ vuduccanhgv.com của tôi về đây)


                                                                               (Tác giả Vũ Đức Cảnh)
          Thỉnh thoảng đi dạy học, tôi thường đi tắt qua cánh đồng để đến trường. Trên cánh đồng, tôi được ngửi hương lúa, ngắm thảm lúa đang ngả màu vàng xuộm. Thích nhất là tôi lại được nghe cuộc trò chuyện thì thầm nhưng cũng không kém phần thú vị của hai bông lúa.
          Tạm gọi chúng theo hình dáng của chúng: BÔNG LÚA CÚI ĐẦU và BÔNG LÚA ƯỠN NGỰC.
          - Này anh bạn. Anh có nhìn thấy gì xung quanh không?  Bông Lúa Ưỡn Ngực hỏi.
          - Không, hình dáng của tôi thế này thì làm sao mà nhìn được cái gì.  Bông Lúa Cúi Đầu nói.
          - Anh thấy không, tôi nhìn thấy bầu trời xanh, thấy sóng lúa nhấp nhô, thấy đàn cò đang mải mê kiếm ăn, .... và được hưởng làn gió mát mơn man cơ thể tôi. Bông Lúa Ưỡn Ngực nói.

          - Anh sướng thế còn gì, còn tôi phải nuôi nấng đàn con đông đúc của tôi. Vì vất vả làm nuôi con mà lưng tôi còng, hơn nữa làm tối làm ngày thì còn đâu mà ngắm mới nghía cái gì nữa. Bông Lúa Cúi Đầu nói.
          - Này anh bạn, sao lúc nào anh cũng phải khổ thế nhỉ? Cứ như tôi có thảnh thơi không. Bông Lúa Ưỡn Ngực hỏi.
          - Không được anh ạ! Tôi phải nuôi đàn con, để chúng lớn giúp ích cho đời. Vì thế lưng còng hay hình dạng xấu xí  hoặc không được ăn chơi tôi cũng chấp nhận. Tôi phải cống hiến cho đời những đứa con của mình. Bông Lúa Cúi Đầu nói.
          - Ối dào! Cống với chả hiến. Cứ biết cái đời mình sướng cái đã, hơi đâu mà lo cho người khác. Bông Lúa Ưỡn Ngực  nói.

          - Anh nghĩ sai rồi. Nuôi đàn con để dâng gạo cho đời. Và cũng chính nuôi đàn con thì mình mới có các thế hệ cháu chắt nữa chứ. Tôi nghĩ việc làm của tôi chỉ có đời mới phán xét được thôi. Còn anh, anh chẳng phải nuôi đứa con nào nên anh cứ chổng ngược giữa trời, anh kiêu hãnh, anh biết mọi thứ nhưng anh chẳng giúp được gì cho đời.
          - ?!?
 Lời bàn: Bông lúa uốn mình bao giờ cũng là bông lúa nhiều hạt.

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Ao làng

          "Ta về ta tắm ao ta
          Dẫu trong dẫu đục, ao nhà vẫn hơn".
          Câu ca dao xưa, đưa tôi về kí ức của một thời tuổi thơ tuyệt đẹp.
          Ao.... Cái tên ao của ngày xưa, ngày nay nghe có vẻ lạ. Tại sao vậy? Xót xa thay! Ao bây giờ đâu còn là ao nữa. Nên đặt cho nó cái tên gì bây giờ? Thật khốn khổ cho cái đời ao. Trông chúng như một bể nước thải kinh khủng mà ai đi qua cũng phải nín thở.
          Nhớ lại ngày xưa. Mỗi trưa hè trốn mẹ, mấy thằng trẻ con cùng xóm chúng tôi lại ra cái ao Cổng Chầu của làng để tắm. Ở đó, đầm mình trong làn nước mát, chúng tôi thoả thích được thưởng thức mùi hoa sen thơm ngát. Lặn ngụp chán chê, thằng nào thằng ấy lại thi nhau lấy ngó sen. Trong nước mát, ngửi hương sen, ăn ngó sen,..  còn gì thú vị hơn. Lắm hôm chơi đi ẩn, chúng tôi lặn vào trong bụi cây xoà ra ao. Khi lên hai tay hai con ba ba to như cái mũ cối.
          Tắm ao, lỡ có thằng bơi yếu, chuột rút,  thụt chân xuống thùng đấu, uống no bụng nước, sau chúng tôi mới phát hiện ra và kéo lên. Nhưng chẳng sao. Bụng đầy nước ao và ngó sen mà về nhà chẳng đau bụng đau bão gì. Nước ao trong xanh và sạch lắm. Có thể nhìn rõ từng cọng rong rêu, đàn cá dưới làn nước. Nhiều nhà gần ao chỉ cần xây cái bể lọc đơn giản bằng cát sỏi, múc nước ao lên và lọc qua cũng nấu nướng để ăn uống được mà chẳng ai kêu đau bụng, dịch tả,...
          Cái ao nào của làng cũng rộng. Bọn chúng tôi đã tắm ở hết cả các ao của làng. Những cái tên ao như: Cửa Đình, Cổng Chung, Cổng Ải, Ao Chùa, Cổng Chầu, Ông Bếnh, Thứ Giáp, Bà Lân,... đã mãi đi vào kí ức chúng tôi. Các ao rất rộng, chúng tôi những thằng bơi khoẻ nhất nhì trong làng nhưng chẳng có thằng nào bơi qua được chỗ rộng nhất của ao. Rộng nhất là 3 cái ao là ao Cổng Chầu (hay còn gọi là ao Dài), ao Cổng Chung và ao Cổng Ải. Nơi rộng nhất của ao Dài là khoảng 1/2 km (500 mét). Ngoài những ao to đó ra, làng tôi còn hàng chục ao lớn nhỏ khác. Nói là nhỏ nhưng những cái ao đó, cái nào hẹp nhất cũng khoảng 1 mẫu.
          Làng tôi nghèo lắm, đường làng thời ấy đâu có lát gạch hay trải xi-măng như bây giờ, toàn là đường đất. Hệ thống cống rãnh cũng đâu có hiện đại như bây giờ. Nhưng dù trận mưa có to đến đâu thì cứ mưa xong là đường làng ngõ xóm sạch bong và khô ráo. Vì tất cả nước mưa đều được đổ xuống các hồ chứa tự nhiên là những cái ao làng. Mùa hè oi ả, làng tôi chưa có điện. Chỉ quạt nan phe phẩy, vậy mà chẳng ai kêu nóng. Ao làng chính là những chiếc điều hoà nhiệt độ miễn phí cho cả làng mà không máy móc công nghệ hiện đại nào có thể làm thay được nó.
          Những hôm chủ nhật nghỉ học hay các trưa hè, tôi và anh trai con nhà bác tôi, 2 anh em, 2 cần câu và một chiếc giỏ to. Đến cầu ao nhà ông Vàng hoặc nhà ông Ngữ để đặt câu. Chỉ một buổi anh em tôi đã câu được đầy một giỏ to các loại cá rô, trê, trắm, chép,... thậm chí câu được cả những con ba ba nặng vài cân, to bằng cái vung nồi. Chẳng ai cấm đoán, ao của làng mà, câu bao nhiêu thì câu.
          Có lẽ mãi mãi, cái ao làng chỉ còn tồn tại trong những câu chuyện của những người ở độ tuổi U40 trở lên mỗi khi kể cho con cháu nghe. Lợi ích của ao làng nhiều lắm. Ấy thế mà chúng bị giết hại không thương tiếc. Xin phép cụ Tú Xương để sửa câu thơ của cụ thành:
                   "Ao kia rày đã nên đồng,
          Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai."
          Làng tôi bây giờ làm gì còn cái ao nào đúng nghĩa của cái ao. Ngày xưa cái ao nào cũng rộng, cũng sạch. Các ao trong làng đều ăn thông với nhau. Nay thì chúng thành những cái ao tù, hẹp, nước đen ngòm, đặc quánh, mùi kinh khủng và nói ngoa một tí :"Ta có thể cắm được que hương xuống mặt nước ao mà que hương không đổ"
          Hậu quả là mỗi khi trời nắng, dân làng nóng kinh khủng, kể cả có điện. Tuy rất nóng nhưng ai còn muốn tắm ao nữa. Bây giờ có ai  xuống  tắm ao mà người đó không bị coi là kẻ điên, là loại hâm hấp, chập mạch thì đó mới là chuyện lạ. Chẳng gia đình nào còn dám cho con ra ao làng để tắm nữa. Nếu cho chúng ra tắm thì về nhà bố mẹ chúng lại tốn thêm tiền thuốc chữa ghẻ lở, chữa đau mắt. Từ lứa tuổi 35- 40 của chúng tôi trở lên, cả con trai lẫn con gái trong làng ai cũng biết bơi, có thể nói không ngoa là 100% biết bơi. Ngày nay bọn trẻ không biết bơi nguyên nhân do đâu? Bao nhiêu cái chết thương tâm do không biết bơi cũng từ nguyên nhân này mà ra. Vì hồ bơi tự nhiên của chúng là những cái ao đã không còn. Nếu còn thì cũng là những ao nước đen ngòm, mùi kinh khủng.
          Ôi! Còn đâu nữa cái ngày xưa ấy. Câu ca dao rất hay, tưởng như nó được tồn tại mãi như một triết  lí nhân văn với người Việt ta.
          Nhưng nay, câu ca dao này đang có nguy cơ bị chết yểu. Xót xa thay....
           Ta bây giờ còn muốn tắm ao ta ?!?!?

Xin cho nhận xét, bình luận vào đường dẫn Không có nhận xét nào:  ở bên dưới của bài viết



Cái đáng sợ của lòng đố kị

Sự đố kị, đó là bản chất của người không tiến bộ. Là bản chất của những con người có lòng dạ hẹp hòi, nhỏ nhen. Họ không muốn cho ai hơn mình, họ cho rằng mình là nhất, những người khác là xấu, họ chỉ muốn không ai bằng họ. Câu chuyện sau đây cho bạn thấy điều đó.

          Hai anh Giáp và Ất là hàng xóm của nhau. Mẹ của hai anh cùng sinh ra hai anh trong một ngày. Hai anh được hai bà mẹ nuôi chu đáo, ăn học tử tế. Hai anh mỗi người một chí hướng.
          Trên con đường thực hiện chí hướng của mình, anh Giáp luôn gặp thuận lợi trong khi đó anh Ất luôn gặp khó khăn hoặc thất bại. Anh Giáp thì luôn quảng đại rộng rãi, ngược lại, anh Ất thì luôn hẹp hòi ích kỉ.
          Anh Giáp thì suốt ngày vui vẻ, xởi lởi còn anh Ất thì suốt ngày đêm than thở, than thân trách phận, kêu Trời và trách Trời bất công.
          Tiếng kêu than của anh Ất đã đến được tai của Trời. Trời sai một vị thần đến gặp anh ta. Vị thần đã nói với anh Ất rằng:
          - Trời đã nghe được những lời than trách của anh rồi. Trời sai ta xuống giúp anh đây!
          Anh Ất mừng rỡ cảm ơn vị thần rối rít. Vị thần nói:
          - Trời cho anh ước bất kì điều ước gì. Nhưng với điều kiện....
          Anh Ất nhanh nhảu:
          - Điều kiện gì con cũng chấp nhận!
          Vị thần đáp:
          - Trời cho anh ước gì cũng được nhưng nếu điều ước ấy của anh thành hiện thực, Trời cho anh được một thì cho gã hàng xóm của anh (anh Giáp) phải được gấp đôi của anh. Anh đồng ý không?
          Anh Ất gật đầu đồng ý. Vị thần cho anh ước một điều ước. Anh Ất suy nghĩ một hồi lâu và bảo với vị thần:
          - Ngài hãy về bảo với Trời cho tôi được mù một con mắt.
         
          Bạn hãy suy nghĩ về điều ước của anh Ất và số phận anh hàng xóm, khi điều ước của anh Ất được thành hiện thực.


Dòng sông bình an


                  (Vũ Đức Cảnh)

Tên quê mình là "Dòng sông bình yên",
Bình Giang đó bao nhiêu đời vẫn vậy,
Những dòng sông vẫn quanh năm xuôi chảy,
Nước xanh trong tôm cá tự do bơi.

Những trưa hè tôi trốn mẹ đi chơi,
Cùng lũ bạn rủ nhau ra sông tắm,
Thi nhau bơi tha hồ ngụp lặn,
Lỡ đuối chân, nước đầy bụng uống no.

Và tối về yên giấc ngáy o o,
Bụng chẳng đau vì uống toàn nước sạch,
Mẹ làm đồng cả ngày không mang nước,
Mang làm gì, khát đã có nước sông.

Còn bây giờ tội nghiệp những dòng sông,
Đang oằn mình quặn đau, đang chờ chết,
Nước không trong, một màu đen đặc sệt,
Toả ra mùi hôi thối, thật là kinh.

Các dòng sông nhận nước "đúng quy trình",
Từ bao nguồn dân sinh cùng công nghiệp,
Nước công ty, làng nghề, ... trông đến khiếp,
Xả thẳng vào đầu độc các dòng sông.

Bạn có nghe dòng sông khóc đó không?
Bạn có thấy dòng sông đang giận dữ?
Sông như mẹ cho ta bao nguồn sữa,
Bạn một ngày không uống nước được chăng?

Hãy để sông mang đúng nghĩa "bình giang"!
Đừng làm bẩn nguồn sữa nuôi ta lớn!
Trong cuộc sống bao lo toan bận rộn,
Có khi nào bạn nghĩ đến dòng sông?

Tự bao đời thơ nhạc với dòng sông,
Sông là nguồn cho thơ ca nhạc hoạ,
Công nghiệp hoá nay thành công nghiệp hoạ,
Mang cho người bao bệnh tật nguy nan.

Tên quê mình là 'Dòng sông bình an",
Đừng vì tiền mang sông ra bức tử,
Hãy vì sông vì muôn đời con cháu,
Để muôn đời quê mình mãi "Bình Giang".

Chú thích: Quê tôi là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
           
    (Vũ Đức Cảnh đã đăng trong facebook Vũ Đức Cảnh, ngày 18-4-2017)